Tiểu tiện là một hoạt động bài tiết, giúp đưa những chất thải ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, một khi tiểu tiện trở nên rối loạn cụ thể hơn là tình trạng mắc tiểu nhưng tiểu ít khiến bạn cảm thấy bất tiện trong sinh hoạt, ảnh hưởng đến đời sống của bạn đặc biệt hơn nó còn có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nào đó. Bài viết dưới đây giúp bạn có thêm nhiều thông tin cũng như hiểu rõ về tình trạng mắc tiểu nhưng tiểu ít.
Mục lục
Đối với những người rơi vào triệu chứng này thì việc đi tiểu vô cùng khó khăn. Đi tiểu nhiều lần nhưng mỗi lần tiểu ra một lượng rất ít nước tiểu, không thành dòng, có khi chỉ vài giọt. Nguyên nhân của triệu chứng này có thể đến từ bệnh lý hoặc không phải bệnh lý.
Nguyên nhân khiến bạn mắc tiểu nhưng tiểu ít
Nguyên nhân bệnh lý
Viêm niệu đạo
Bệnh do vi khuẩn đi vào dòng nước tiểu đi ngược lên niệu đạo sau đó sinh trưởng phát triển tại niệu đạo gây viêm. Việc bạn mắc tiểu nhưng lượng nước tiểu đi ra ít cũng là một biểu hiện hay gặp đối với người viêm niệu đạo.
Sỏi tiết niệu
Những viên sỏi xuất hiện ở những vị trí như thận, bàng quang, niệu quản sẽ làm bịt tắt ngăn cản dòng nước tiểu hoặc gây viêm nhiễm khiến bạn chỉ tiểu ra ít mặc dù mắc tiểu.
Hội chứng bàng quang kích thích
Là tình trạng bàng quang bị rối loạn co bóp, các cơ bàng quang suy yếu. Việc này khiến bạn cảm thấy mắc tiểu cả kể khi chỉ có ít nước tiểu trong bàng quang. Nên khi bạn đi tiểu chỉ tiểu ra một ít mặc dù đang mắc tiểu.
Phì đại tuyến tiền liệt
Bệnh lý chỉ gặp ở nam giới, hay còn gọi là bệnh tăng sản lành tính tiền liệt tuyến do các tế bào của tuyến tăng kích thước khi nam giới bước sang tuổi trung niên. Việc tăng sinh các mô tuyến tiền liệt bất thường làm tuyến tiền liệt lớn lên dẫn đến chèn ép niệu đạo. Điều này gây ra sự cản trở dòng nước tiểu, khiến nước tiểu thoát ra ngoài rất ít mặc dù bệnh nhân đang mắc tiểu.
Nam giới mắc bệnh phải đối mặt với hàng loạt các triệu chứng rối loạn tiểu tiện như: Tiểu đêm nhiều lần, tiểu không thành dòng, tiểu rắt có kèm tiểu tiểu buốt, tiểu són…Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh và còn ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt hằng ngày.
➤ Chi tiết hơn tìm hiểu trong bài viết: “Tổng quan bệnh phì đại tuyến tiền liệt”
Ung thư bàng quang
Mắc tiểu nhưng tiểu ít cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị ung thư bàng quang. Vì khi các mô bàng quang tăng sinh bất thường không kiểm soát sẽ gây kích thích lên bàng quang khiến bạn thường cảm thấy mắc tiểu hoặc chiếm nhiều thể tích trong bàng quang, có thể sẽ gây tắc nghẽn dòng tiểu khiến lượng nước tiểu ra rất ít.
Bệnh lậu
Là một bệnh do vi khuẩn gây ra và lây lan qua đường tính dục không an toàn. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ quan sinh dục, rồi dần vào niệu đạo gây nên viêm nhiễm. Những viêm nhiễm gây ra những khó khăn khi bạn đi tiểu. Lượng nước tiểu bạn thải ra ít cũng có thể là do căn bệnh này.
Viêm bàng quang
Viêm bàng quang do vi khuẩn xâm nhập và sinh trưởng ở bàng quang, gây nên những ổ viêm sưng đỏ. Bàng quang một khi đã viêm sẽ gây nên những rối loạn chức năng. Ví dụ bị suy giảm lực co bóp của bàng quang, khả năng tống nước tiểu ra ngoài giảm. Do đó dẫn tới việc bạn chỉ có thể tiểu ra lượng nước tiểu ít.
Nguyên nhân ngoài bệnh lý
Ngoài những bệnh lý tiềm ẩn bên trong cơ thể thì chế độ sinh hoạt, thói quen, thai kì, những thuốc bạn đang sử dụng cũng có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng tiểu ra lượng nước tiểu ít trong khi đang mắc tiểu.
Mệt mỏi, căng thẳng
Khi tâm trạng của bạn mệt mỏi, căng thẳng thì cơ thể sẽ có những thay đổi về hoocmon, tâm lý tiêu cực. Và cơ thể sẽ cố gắng nhanh chóng loại bỏ các chất thải đó đi, khiến bạn cảm thấy mắc tiểu mặc dù bàng quang không chứa nhiều nước tiểu nên tiểu ra ít.
Yếu tố vệ sinh
Vùng kín không được giữ sạch sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập. Những vi khuẩn này có thể gây ra những viêm nhiễm cho hệ thống tiết niệu. Từ đó dẫn đến nhiều rối loạn khi đi tiểu. Điển hình như việc bạn mắc tiểu nhưng chỉ có thể tiểu ra ít.
Thói quen nhịn tiểu lâu
Thói quen nhịn tiểu lâu cũng sẽ gây ra những rối loạn khi đi tiểu, lâu ngày sẽ tạo ra nhiều vấn đề về đường tiết niệu. Hiện tượng lượng nước tiểu ra ít, chỉ vài giọt trong khi đang mắc tiểu cũng là một trong những hậu quả do nhịn tiểu gây ra.
Chế độ ăn uống
Thói quen ăn uống hằng ngày cũng là nguyên do phải kể đến khi nhắc tới triệu chứng mắc tiểu nhưng tiểu ít. Theo nghiên cứu thì các chất phụ gia như polisorbate 80 (có trong thực phẩm đóng hộp, nước sốt đóng sẵn) hay carboxymetyl cellulose (có trong nước ép trái cây đóng hộp, sữa tươi, phô mai,..) có thể gây kích thích bàng quang khiến bạn cảm thấy mắc tiểu trong khi lượng nước tiểu có rất ít.
Thuốc trị bệnh bạn đang dùng
Bàng quang của bạn ít có khả năng đẩy nước tiểu ra ngoài cũng sẽ làm cho bạn mắc tiểu nhưng chỉ tiểu được ít. Có một số loại thuốc có thể làm giảm khả năng này của bàng quang. Nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc dưới đây thì có thể cũng là một nguyên nhân:
- Amphetamin
- Thuốc kháng histamin
- Thuốc chống viêm không steroid
- Thuốc điều trị Parkinson
- Một số thuốc giảm đau opioid như morphin
Ảnh hưởng của chứng mắc tiểu nhưng tiểu ít
- Việc bạn mắc tiểu nhưng chỉ có thể tiểu ra ít gây ra nhất nhiều bất lợi trong sinh hoạt cuộc sống hằng ngày của bạn. Khiến tâm trạng của bạn không thoải mái, luôn bực bội và khó giải tỏa. Lâu dần sẽ khiến bạn trở nên thiếu kiểm soát.
- Triệu chứng này cũng làm bạn giảm ham muốn tình dục. Ảnh hưởng đến đời sống sinh lý của bạn.
- Mỗi lần đi tiểu bạn chỉ tiểu ra một ít sẽ khiến bạn có xu hướng lười đi tiểu, nhịn tiểu. Nếu nhịn tiểu lâu thì nước tiểu sẽ bị giữ lâu lại trong bàng quang, niệu đạo có thể gây ra những viêm nhiễm hoặc lắng đọng thành sỏi.
- Người bệnh mắc phải triệu chứng này sẽ bị gián đoạn thời gian làm việc và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Đặc biệt vào ban đêm sẽ bị rối loạn giấc ngủ gây mệt mỏi và khó chịu.
Nguy hiểm hơn cả những bất tiện mà triệu chứng đem lại, chính là những bệnh lý nguyên nhân đang xuất hiện trong cơ thể bạn. Như đã nói ở trên, có rất nhiều bệnh lý có dấu hiệu là mắc tiểu nhưng tiểu ít. Những bệnh lý này cần được phát hiện và chữa trị sớm nếu không có thể sẽ ảnh hưởng đến cả tính mạng.
Hướng điều trị chứng mắc tiểu nhưng tiểu ít
Điều trị nội khoa
Với các trường hợp bệnh lý có thể điều trị nội khoa, viêm nhiễm niệu đạo do vi khuẩn, phì đại tiền liệt tuyến mới phát hiện bệnh và kích thước u xơ còn nhỏ, các bệnh nhiễm khuẩn thông thường…Phương pháp chủ yếu là dùng thuốc và kết hợp thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống và chế độ tập luyện phù hợp.
Một số loại thuốc hay dùng như:
- Kháng sinh nhóm Quinolon: các bệnh viêm nhiễm niệu đạo, tiết niệu, viêm bàng quang, viêm tiền liệt tuyến. Bao gồm một số thuốc như: Ofloxacin, Ciprofloxacin, Acid nalixilic…
- Kháng sinh nhóm Aminoglycoside: Tác dụng tương tự nhóm Quinolon nhưng chủ yếu sử dụng bằng đường tiêm. Tên thuốc hay gặp: Benzylpenicillin, Erythromycin, Kanamycin…
- Thuốc Allopurinol dùng trong phác đồđiều trị sỏi thận.
- Thuốc chẹn Alpha 1: giảm các triệu chứng rối loạn tiểu tiện do sự phì đại tiền liệt tuyến gây ra. Một số thuốc như Alfuzosin (Uroxatral), Terazosin (Hytrin)…
- Thuốc Finasteride (Proscar, Propecia): dùng điều trị phì đại tiền liệt tuyến thông qua tác dụng ức chế sự tăng sản của tế bào tuyến.
Điều trị ngoại khoa
Áp dụng chủ yếu với các bệnh sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, sỏi kẹt niệu đạo, tiền liệt tuyến tăng sinh kích thước lớn mà không đáp ứng với thuốc điều trị, bệnh nhân bí đái nhiều, đái khó, cầu bàng quang to.
- Đặt sonde: Đưa ống sonde qua các vị trí hẹp và tắc nghẽn của đường niệu để dẫn nước tiểu ra ngoài như: đặt sonde bể thận với bàng quang, sonde tiểu từ bàng quang ra ngoài…Đây là biện pháp giúp người bệnh thoải mái hơn, thực hiện nhanh chóng nhưng không có tác dụng với những nguyên nhân gây bệnh.
- Phẫu thuật: Phẫu thuật tán sỏi, mổ cắt đốt u tiền liệt tuyến, điều trị ung thư.
Nên làm để đẩy lùi nhanh tình trạng buồn tiểu nhưng tiểu ít?
Để kết thúc những bất tiện và khó khăn mà triệu chứng này gây ra thì việc đầu tiên bạn cần làm đó là đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám. Cần tìm ra nguyên nhân bên trong gây ra tình trạng mắc tiểu nhưng tiểu ít này, để có hướng điều trị đúng đắn và nhanh chóng.
Bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân chính xác và đưa ra cho bạn phác đồ điều trị cụ thể. Bạn cần phải tuân thủ theo phác đồ này. Uống thuốc đúng giờ, đúng liều sẽ giúp tình trạng của bạn nhanh tốt hơn. Bệnh nhân không được tự ý mua thuốc khác về uống.
- Ngưng sử dụng thức ăn đóng gói sẵn, chất kích thích, giữ cho mình một tinh thần thoải mái tránh căng thẳng quá mức, giữ gìn vệ sinh vùng kín sạch sẽ, mặc quần áo rộng rãi thoải mái đặc biệt là quần dài và đồ lót.
- Ngâm nước ấm cũng là một gợi ý giúp bạn giảm bớt cảm giác muốn đi tiểu.
- Sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục để tránh mắc phải những bệnh tình dục hoặc tránh lây lan các bệnh tiết niệu.
- Những thay đổi lành mạnh trong lối sống sẽ giúp bạn có một sức khỏe tốt, không chỉ đẩy lùi được chứng mắc tiểu nhưng tiểu ít mà còn ngăn ngừa được những chứng bệnh khác.
Lời kết
Mắc tiểu nhưng tiểu ít không phải là một vấn đề nan giải hay nguy cấp, tuy nhiên việc hiểu rõ nguyên nhân để hiểu hơn về những dấu hiệu bất ổn trong cơ thể mình là điều thật sự cần thiết. Bài viết trên đây là tổng hợp bao quát những nguyên nhân có thể dẫn đến triệu chứng này. Tuy nhiên mỗi người sẽ có một nguyên do khác nhau, nên cần phải khám bác sĩ để được tư vấn hợp lý nhất. Hy vọng bài viết có thể giúp ích được nhiều cho các bạn!
Tài liệu tham khảo
- https://www.healthline.com/health/constant-urge-to-pee-but-little-comes-out#causes
- https://suckhoedoisong.vn/6-nguyen-nhan-gay-tieu-rat-o-nam-gioi-n118203.html
- https://tuoitre.vn/di-tieu-lat-nhat-lien-tuc-luong-nuoc-tieu-khong-nhieu-20180127112453676.htm
- https://www.webmd.com/prostate-cancer/types-of-prostate-disease
- https://www.healthline.com/health/urethritis
Tác dụng có thể khác nhau tuỳ cơ địa của người dùng