Mổ tiền liệt tuyến hay phẫu thuật tuyến tiền liệt là giải pháp loại bỏ các khối u, viêm ở bộ phận tiền liệt tuyến ra khỏi cơ thể khi có chỉ định. Vậy khi bệnh tiến triển đến tình trạng nào thì bệnh nhân được chỉ định mổ tuyến tiền liệt? Những phương pháp mổ tuyến tiền liệt là gì? Nếu bạn cũng đang băn khoăn về vấn đề này thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây nhé.
Mục lục
Khi nào cần mổ tuyến tiền liệt?
Với những bệnh nhân phát hiện bệnh từ giai đoạn đầu, khi những triệu chứng nhẹ và chưa có biến chứng, bác sĩ thường chỉ định điều trị nội khoa bằng thuốc. Khi bệnh nặng và diễn biến phức tạp hơn, bạn sẽ được yêu cầu phẫu thuật. Một số trường hợp như:
- U xơ tiền liệt tuyến có kích thước quá lớn, dùng thuốc không làm giảm kích thước khối u.
- Xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiểu tiện ngày càng nặng, uống thuốc trong thời gian dài nhưng không thuyên giảm như: tiểu ra máu, tiểu bí,…
- Bệnh nhân mắc u xơ tuyến tiền liệt trong thời gian dài, điều trị bằng thuốc không hiệu quả dẫn đến các biến chứng về bàng quang, về thận, viêm thận, suy thận,..
- Bệnh viêm tuyến tiền liệt phải điều trị trong thời gian dài, thường xuyên tái phát.
- Ung thư tuyến tiền liệt.
Các phương mổ tuyến tiền liệt
Có hai phương pháp mổ phổ biến hiện nay cho những bệnh nhân mắc bệnh tuyến tiền liệt là mổ mở và mổ nội soi
Mổ mở
Mổ mở là phương pháp mổ ít phổ biến hơn mổ nội soi bởi tỉ lệ rủi ro cao. Bệnh nhân lựa chọn mổ phương pháp này có thể mất nhiều máu, thời gian bình phục lâu hơn và vết mổ dễ để lại sẹo.
Bác sĩ tiến hành rạch một vết rạch lớn ở bụng, sau đó loại bỏ các mạch mô tuyến tiền liệt. Chính vì mức độ nguy hiểm của phương pháp mổ này nên bác sĩ sẽ không khuyến khích bệnh nhân mổ theo phương pháp này. Chỉ khi bệnh nhân không thể thực hiện mổ nội soi bác sĩ mới chỉ định mổ mở.
Bệnh nhân mổ mở khi có kích thước tuyến tiền liệt quá lớn, khi có những biến chứng tổn thương bàng quang, sỏi bàng quang.
Mổ nội soi
Mổ nội soi là phương pháp mổ thông dụng, áp dụng cho đa số các bệnh nhân mắc vấn đề về tuyến tiền liệt bởi tính đơn giản, an toàn của nó. Mổ nội soi với vết mổ nhỏ hơn sẽ giảm nguy cơ nhiễm trùng cũng như những biến chứng khác, thời gian hồi phục cũng nhanh hơn, tính thẩm mỹ ở vết mổ cao.
Bác sĩ sẽ tiến hành gây tê sau đó cắt bỏ khối u và cầm máu, khối u được hút ra ngoài qua ống nội soi. Thời gian tiến hành phẫu thuật khoảng tầm một tiếng. Sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt, đường tiết niệu và bàng quang dần được tái tạo. Trong vài ngày đầu bạn có thể cần sử dụng ống thông niệu đạo, ống này được lấy ra sau 3-4 ngày.
Sau khi cắt bỏ được khối u tuyến tiền liệt, các vấn đề về tuyến tiền liệt gần như đã được giải quyết, bệnh nhân cần theo dõi sức khỏe và chú ý giữ gìn kết hợp với sử dụng thuốc để hồi phục.
Có hai phương pháp mổ nội soi phổ biến là cắt bỏ tuyến tiền liệt qua niệu đạo (TURP) và cắt bỏ tuyến tiền liệt qua bàng quang (TUIP).
Cắt bỏ tuyến tiền liệt qua niệu đạo (TURP)
Bác sĩ tiến hành đưa dụng cụ mổ nội soi vào niệu đạo sau đó loại bỏ tất cả trừ phần bên ngoài tuyến tiền liệt của bệnh nhân. Phương pháp này dùng để loại bỏ tuyến tiền liệt quá lớn đang chèn vào niệu đạo. TURP thường làm giảm triệu chứng nhanh chóng và thời gian hồi phục nhanh.
Cắt bỏ tuyến tiền liệt qua bàng quang (TUIP)
Bác sĩ tiến hành 1 đường rạch cổ bàng quang đối với những bệnh nhân có tuyến tiền liệt không quá lớn hoặc các triệu chứng bệnh gây ra bởi các vấn đề khác, chẳng hạn như lỗ hẹp ở bàng quang.
Phương pháp mổ TUIP đơn giản hơn TURP và thời gian nằm viện ngắn hơn. Bác sĩ phẫu thuật đưa một ống mỏng lên dương vật rồi đi vào niệu đạo. Sau đó đưa một dụng cụ lên ống và sử dụng nó để tạo ra một vài vết cắt nhỏ (thường là một hoặc hai) trong lỗ mở của bàng quang, nơi bàng quang gặp tuyến tiền liệt. Điều này làm cho lỗ mở của bàng quang rộng hơn để nước tiểu có thể chảy ra dễ dàng hơn.
Các nghiên cứu cho thấy mổ nội soi qua bàng quang có hiệu quả như một TURP trong việc cải thiện các triệu chứng ở nam giới có tuyến tiền liệt nhỏ. Đôi khi bạn cần tiến hành cả 2 phẫu thuật TUIP và TURP tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra các vấn đề về tuyến tiền liệt của bạn.
Ngoài TURP và TUIP còn một số phương pháp nội soi khác ít phổ biến hơn như phẫu thuật laser holmium (HoLEP) và phẫu thuật bốc hơi tuyến tiền liệt (TUVP)
Phẫu thuật laser holmium (HoLEP)
Phương pháp này phù hợp với những bệnh nhân có kích thước tuyến tiền liệt lớn, hẹp niệu đạo hay cứng khớp háng.Bác sĩ sẽ sử dụng tia laser có công suất cao để loại bỏ những bộ phận tuyến tiền liệt chèn niệu đạo. Dụng cụ có gắn kèm với camera để quan sát trong suốt quá trình phẫu thuật.
Sau khi mổ, các triệu chứng gây khó chịu về tuyến tiền liệt sẽ giảm nhanh chóng và rõ rệt. Hơn nữa, những tác dụng phụ để lại cũng ít hơn so với những phẫu thuật khác.
Phẫu thuật bốc hơi tuyến tiền liệt (TUVP)
Hình thức phẫu thuật này chỉ phù hợp với bệnh nhân có kích thước tuyến tiền liệt vừa, thời gian tiến hành phẫu thuật cũng lâu hơn so với TURP. Về quy trình tiến hành, nó cũng tương tự như phương pháp cắt bỏ tuyến tiền liệt qua niệu đạo. Tuy nhiên, thay vì cắt bỏ các mô chặn tiết niệu sẽ bị phân hủy bằng nhiệt nhờ một dòng điện chạy qua niệu đạo.
Chăm sóc sau mổ, cần lưu ý điều gì?
Sau khi tiến hành phẫu thuật bệnh nhân cần một khoảng thời gian để hồi phục sức khỏe và để các vết thương lành lại. Dành thời gian nghỉ ngơi kết hợp sử dụng thuốc kháng viêm theo chỉ định của bác sĩ góp phần tạo nên thành công cho ca phẫu thuật của bệnh nhân
Bệnh nhân nên dành thời gian hoàn toàn để nghỉ ngơi, không những giúp bạn bình phục nhanh chóng sau mổ mà còn giúp bệnh nhân phát hiện được sớm những biến chứng hay bất kì dấu hiệu bất thường nào.
Những điều cần lưu ý hậu phẫu:
- Cần uống nhiều nước hơn để làm sạch bàng quang.
- Bổ sung nhiều thực phẩm giúp mau lành vết thương
- Chăm sóc các vết mổ thường xuyên: giữ vệ sinh; giữ cho vết mổ khô thoáng; mặc quần áo rộng rãi, thoải mái; tránh những đồ bó sát gây bí vết thương sẽ tăng khả năng nhiễm trùng.
- Cần nhận biết một số dấu hiệu nhiễm trùng như: sưng, nóng, đỏ tại vị trí vết mổ để có thể có những biện pháp kịp thời phòng trị nhiễm trùng.
- Tránh hoạt động tình dục; tránh các vận động mạnh, các hoạt động thể dục thể thao tốn nhiều sức; tránh đi xe đạp, xe máy,…
Biến chứng sau mổ tuyến tiền liệt có thể xảy ra!
Phẫu thuật giúp người bệnh giải quyết được những vấn đề về tuyến tiền liệt như phì đại tiền liệt tuyến, viêm tuyến tiền liệt và loại bỏ được khối u ung thư, ngăn chặn các tế bào ung thư lan rộng ra những cơ quan khác.
Song phẫu thuật nào cũng tiềm ẩn những biến chứng có thể có. Tùy thuộc vào độ khó ca bệnh, sức khỏe người bệnh… mà sau mổ người bệnh có thể gặp phải một số biến chứng như:
- Nhiễm trùng vết thương: Nếu vết mổ không được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cũng như khô thoáng sẽ dễ gây nhiễm trùng
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: hiện tượng này xảy ra khi thời gian đặt ống thông tiểu quá lâu
- Xuất tinh ngược
- Rối loạn cương dương
- Chảy máu ở vết thương: thường xuất hiện nhiều hơn khi mổ mở hoặc khi mổ nội soi mà thời gian tiến hành phẫu thuật lâu.
- Đi tiểu ra máu hay gặp các vấn đề khác gây khó khăn trong việc tiểu tiện như bí tiểu cấp tính do lúc này ống thông tiểu vẫn còn trong cơ thể.
- Ảnh hưởng đến huyết áp do tác dụng phụ của thuốc gây tê, bệnh nhân thường có biểu hiện buồn nôn.
➤ Xem thêm: Biến chứng sau mổ u xơ tuyến tiền liệt
Nên mổ tuyến tiền liệt ở đâu? Chi phí mổ là bao nhiêu?
Hiện nay có rất nhiều bệnh viện thực hiện các phương pháp mổ tuyến tiền liệt từ tuyến huyện, tỉnh, bệnh viện tư nhân đến trung ương. Tùy thuộc vào từng bệnh viện và phương pháp mổ thì chi phí khác nhau. Chi phí phục vụ cho mổ mở sẽ cao hơn mổ nội soi bởi tính phức tạp cũng như độ khó của ca mổ.
Việc lựa chọn bác sĩ phẫu thuật cũng là yếu tố quyết định chi phí ca mổ. Ngoài chi phí phẫu thuật, bệnh nhân sẽ phải chi trả thêm dịch vụ khám và làm các xét nghiệm trước khi phẫu thuật, tiền thuốc và viện phí sau phẫu thuật.
Tùy vào khả năng kinh tế của người bệnh sẽ có những lựa chọn bệnh viện tốt nhất. Nên chọn những bệnh viện có uy tín, tránh những cơ sở khám chữa bệnh chui để đảm bảo sức khỏe của bản thân.
Lời kết
Phẫu thuật cũng là một phương pháp phổ biến trong điều trị bệnh tuyến tiền liệt nhất là đối với những bệnh nhân nặng điều trị bằng thuốc không hiệu quả. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh tật mà bác sĩ sẽ cho biết hình thức phẫu thuật nào là phù hợp nhất với bạn. Đừng quên giữ gìn sức khỏe tránh vận động mạnh sau phẫu thuật để thời gian hồi phục là ngắn nhất nhé.
Tài liệu tham khảo
- https://prostatecanceruk.org/prostate-information/further-help/enlarged-prostate/enlarged-prostate-treatment
- https://www.nhs.uk/conditions/prostate-enlargement/treatment/
Tác dụng có thể khác nhau tuỳ cơ địa của người dùng