Tiểu ra máu là một triệu chứng cảnh báo cơ thể của bạn đang gặp phải một số vấn đề nguy hiểm. Nhưng bạn không cần phải lo lắng quá nhiều bởi vì hiện nay đã có nhiều thuốc có khả năng điều trị triệu chứng này. Vậy tiểu ra máu dùng thuốc gì nhanh khỏi? Mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây.
Mục lục
Tiểu ra máu là gì?
Tiểu ra máu hay đái ra máu là hiện tượng xuất hiện máu trong nước tiểu làm cho nước tiểu bình thường từ màu trắng hoặc hơi vàng chuyển sang màu đỏ hồng hoặc đỏ sẫm.
Khi bạn nhìn thấy trong nước tiểu có xuất hiện của máu thì đó là trường hợp tiểu đại thể.
Tuy nhiên trong một số trường hợp chỉ phát hiện có máu trong nước tiểu khi bác sỹ làm xét nghiệm nước tiểu bằng soi kính hiển vi hoặc tổng phân tích nước tiểu là tiểu vi thể.
Việc đi tiểu ra máu cho thấy cơ thể của bạn đang có nguy cơ cao mắc phải các bệnh lý nguy hiểm. Các bệnh lý này thường gặp ở các cơ quan như thận, bàng quang, cơ quan sinh dục,… Để có hướng điều trị tốt nhất và hiệu quả nhất thì bạn cần xác định được chính xác nguyên nhân dẫn đến triệu chứng tiểu ra máu.
Nguyên nhân gây tiểu ra máu
- Do bệnh lý ở bàng quang: Các bệnh lý thường gặp ở bàng quang là viêm bàng quang do virus, u bàng quang, túi thừa và đặc biệt là sỏi bàng quang.
- Do bệnh lý ở niệu đạo – tuyến tiền liệt: Ở nam giới các bệnh lý ung thư tuyến tiền liệt hoặc phì đại tuyến tiền liệt thường gây đi tiểu ra máu.
- Do bệnh lý ở thận: Đây là nguyên nhân phổ biến dẫn đến đái ra máu( tiểu ra máu) ở hầu hết các bệnh nhân. Một số bệnh lý liên quan đến thận như: sỏi thận, ung thư thận, thân đa nang, viêm cầu thận cấp, viêm thận, bể thận,…
- Do sử dụng thuốc: 1 số kháng sinh như: Penicillin và dẫn chất, cephalosporin và dẫn chất, sunfamid và dẫn chất, polymycin, rifampin; các thuốc lợi tiểu( furosemide, thiazide, ethacrynic acid); danazol gây tác dụng phụ là viêm thận kẽ dẫn đến thỉnh thoảng có sự xuất hiện của máu trong nước tiểu. Tuy nhiên triệu chứng đái ra máu do thuốc sẽ không còn nữa sau khi ngừng thuốc.
Thuốc điều trị tiểu ra máu
Đái ra máu do nhiều nguyên nhân gây ra và tùy thuộc vào từng nguyên nhân mà người thầy thuốc sẽ kê đơn các loại thuốc khác nhau.
Thuốc kháng sinh
Kháng sinh thường được dùng trong các trường hợp đái ra máu do nguyên nhân nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm tuyến tiền liệt, viêm đài – bể thận, viêm cầu thận,…
Các thuốc kháng sinh có tác dụng chống nhiễm trùng do vi khuẩn nhờ khả năng tiêu diệt vi khuẩn hoặc làm giảm sự phát triển của vi khuẩn. Từ đó, các bệnh nhiễm trùng của bạn sẽ dần được cải thiện và triệu chứng đái máu cũng sẽ không còn nữa.
Thuốc kháng sinh có tác dụng tốt với triệu chứng đái ra máu do nhiễm trùng. Tuy nhiên bạn cần tuân thủ điều trị kháng sinh đủ ngày như trong đơn bác sỹ đã kê để đạt được hiệu quả điều trị là tốt nhất.
Một số kháng sinh thường được chỉ định: Amoxicillin, Ceftriaxone (Rocephin), Cephalexin ( Keflex ), Ciprofloxacin (Cipro), Fosfomycin (Monurol), Levofloxacin ( Levaquin ), Nitrofurantoin (Macrodantin, Macrobid), Trimethoprim/ sulfamethoxazole (Bactrim, Septra ), Sulfamethoxazole (Bactrim),…
Thuốc chống viêm NSAID
Thuốc chống viêm NSAID là thuốc chống viêm không steroid có tác dụng chống viêm, giảm đau. Thuốc được chỉ định trong những trường hợp đái ra máu do viêm tuyến tiền liệt, bệnh thận đa nang, sỏi thận,…
Các thuốc kháng viêm thường được sử dụng là: Aspirin, Ibuprofen( Motrin, Advil, Motrin IB), Naproxen( Naprosyn, Aleve), Nabumetol( Relafen), Celecoxib( Celebrex)…
Việc sử dụng thuốc chống viêm NSAID để điều trị đái máu có hiệu quả tốt nhưng nếu bạn dùng thuốc lâu dài sẽ gặp nhiều nhất là tác dụng phụ trên dạ dày( viêm dạ dày, loét dạ dày tá tràng).
Thuốc chẹn alpha
Trong nhiều trường hợp, thuốc chẹn alpha được chỉ định để điều trị đái ra máu do phì đại tuyến tiền liệt, viêm tuyến tiền liệt, sỏi thận,…
Thuốc chẹn alpha có tác dụng làm giãn các cơ ở bàng quang, niệu đạo và tuyến tiền liệt giúp cho việc tiểu tiện của bạn dễ dàng hơn. Đặc biệt thuốc giúp cho nước tiểu được lưu thông dễ dàng hơn, hạn chế tiểu đêm và các triệu chứng khác mà không làm thay đổi kích thước của tuyến tiền liệt.
Các loại thuốc thuộc nhóm này là: Alfuzosin( Uroxatral), Doxazoxin( Cardura), Prazosin( Minipress), Silodosin( Rapaflo), Tamsulosin, Terazoxin( Hytrin),…
Một số tác dụng phụ thường gặp: buồn ngủ, nhức đầu, chóng mặt,… và một số tác dụng phụ ít gặp hơn: Tim đập nhanh, giảm thiểu đời sống tình dục,…Tuy nhiên, những tác dụng phụ của thuốc chỉ có thể gặp trong 2 tuần đầu tiên và sau đó sẽ biến mất hoàn toàn.
Thuốc chẹn kênh Calci
Một số nghiên cứu đã chứng minh thuốc chẹn kênh canxi có tác dụng làm giãn niệu quản đang co thắt làm tăng tốc độ di chuyển của sỏi thận. Nhưng thuốc chỉ có tác dụng với những viên sỏi nhỏ.
Còn đối với những viên sỏi lớn, bệnh nhân cần phải tiến hành làm một số thủ thuật hoặc phẫu thuật để phá vỡ sỏi hoặc lấy sỏi ra ngoài. Thuốc chẹn kênh calci đã được sử dụng điều trị sỏi thận thành công là nifedipine (Procardia, Adalat).
Tuy nhiên, Thuốc có thể gây táo bón, chóng mặt, đánh trống ngực, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, phát ban, sưng ở bàn chân và cẳng chân,… Tránh sử dụng các đồ uống có bưởi khi đang dùng một số thuốc chẹn kênh canxi bởi vì nước bưởi tương tác với thuốc và có thể ảnh hưởng đến nhịp tim và huyết áp.
Tolvaptan
Đây là một loại thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh thận đa nang ở người lớn. Thuốc có tác dụng ngăn ngừa sự phát triển của u nang, giảm sự phát triển tổng thể của thận và bảo vệ chức năng thận. Từ đó sẽ giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh thận đa nang như: đau thắt lưng, tiểu ra máu, tiểu ra mủ,…
Chất ức chế enzyme 5 – alpha reductase( 5 – ARI)
Các chất ức chế 5 – alpha reductase là nhóm thuốc thường được sử dụng trong điều trị phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới.
Bình thường 5 – alpha reductase là enzym có tác dụng chuyển testosterone thành dihydrotestosterone. Chất này dư thừa trong cơ thể nhiều sẽ là nguyên nhân gay tăng sản lành tính tiền liệt tuyến.
Tác dụng của thuốc này là làm mất hoạt tính của 5 – alpha reductase khiến cho sự tạo thành dihydrotestosterone bị ngăn cản. Nhờ đó, thuốc có khả năng làm ngăn chặn sự phát triển thêm của tuyến tiền liệt. Vì vậy thuốc rất hiệu quả ở những nam giới có kích thước tuyến tiền liệt lớn.
Thuốc ức chế trục androgen
Sử dụng thuốc ức chế trục androgen là một trong các liệu pháp toàn thân sử dụng để điều trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt – một trong những nguyên nhân gây đái ra máu ở nam giới.
Thuốc ức chế trục androgen có tác dụng ngăn cản sự tạo thành testosterone hoặc ức chế hoạt động của testosterone. Các hormone sinh dục nam (đặc biệt là testosterone) là một trong những nguyên nhân làm phát triển ung thư tuyến tiền liệt. Việc giảm số lượng và chất lượng của các hormone này có thể giúp làm chậm sự phát triển của ung thư.
Trên đây là những loại thuốc được sử dụng nhiều trong điều trị tiểu ra máu. Tuy nhiên, bạn cần phải được thăm khám để biết được nguyên nhân gây bệnh mới lựa chọn được loại thuốc phù hợp và phải có đơn của bác sĩ mới nên sử dụng. Hãy đến thăm khám tại bệnh viện để được tư vấn kỹ càng hơn.
Bài thuốc Đông y trị tiểu máu
Tiểu máu do nhiễm khuẩn cấp tính (Tâm hỏa vọng động)
Bệnh nhân có tiểu máu, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi, sốt cao, người mệt mỏi…cần phải thanh thải độc trong cơ thể, chỉ huyết:
Bài thuốc số 1: Cỏ nhọ nồi, tam thất 5g, cam thảo đất 10g, sinh địa 10g, kim ngân, lá tre mỗi loại 15g. Đem sắc nước uống hằng ngày.
Bài thuốc số 2: Hoạt thạch 15g, 12g cho mỗi vị thuốc: Liên kiều, bồ công anh, kim ngân, sơn chi, đạm trúc diệp, ngẫu tiết, bồ hoàng, mộc thông, tiểu kế. Sinh địa 20g, đương quy, chích thảo 6g mỗi vị. Sắc nước uống trị bệnh hằng ngày.
Tiểu máu do nhiễm khuẩn mạn tính (Âm hư hỏa động)
Tiểu máu ít, người mệt mỏi, da xanh xao, háo nước… thỉnh thoảng có sốt.
Bài thuốc số 1: 12g mỗi vị thuốc: Rễ cây cỏ tranh, quy bản, hoàng bá; 8g mỗi vị: Sao đen, trị mẫu; 16g mỗi vị: cây cỏ nhọ nồi, thục địa. Đem các vị thuốc này sắc uống hằng ngày
Bài thuốc số 2: 16g cỏ cây nhọ nồi; 8g a giao; 12g mỗi vị: Sinh địa, sa sâm, rễ cỏ tranh, kỷ tử, trắc bá diệp, mạch môn, thạch hộc. Đem sắc nước uống để trị bệnh hằng ngày.
Sỏi tiết niệu gây tiểu máu
Ở người bệnh sỏi hệ tiết niệu có tiểu máu, cơn đau quặn thận điển hình do tăng áp lực đài bể thận khi tắc niệu quản, cơn đau lan ra sau lưng rồi xuống bụng dưới, không có tư thế giảm đau.
Sử dụng bài thuốc: 12g mỗi vị thuốc: huyết dư, ích mẫu, đan sâm, ngưu tất, uất kim; 6g chỉ thực; 4g bách thảo sương; 16g mỗi vị ngẫu tiết, cọ nhọ nồi. Người bệnh sắc uống làm thuốc.
Lời kết
Hiện nay, tỷ lệ người bệnh có triệu chứng đái ra máu đang còn ít chỉ từ 2 – 3% và tập trung ở những người trên 60 tuổi. Việc chỉ định thuốc điều trị triệu chứng đái ra máu cần phải dựa vào nguyên nhân gây bệnh. Vì vậy khi xuất hiện triệu chứng này bạn cần đến gặp thầy thuốc để được tư vấn liệu pháp điều trị cũng như kê đơn thuốc phù hợp và có hiệu quả, tuyệt đối không được tự mua thuốc và tự ý sử dụng.
Tài liệu tham khảo
- https://namkhoathaiha.com/di-tieu-ra-mau-nguyen-nhan-trieu-chung-cach-dieu-tri-dai-mau–10244.html
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/blood-in-urine/symptoms-causes/sycRKgYFT_pS7Ayg
Tác dụng có thể khác nhau tuỳ cơ địa của người dùng