Đái buốt là hiện tượng ai trong chúng ta cũng gặp phải ít nhất một lần trong đời. Đây có thể là biểu hiện của bệnh gì? Chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
Mục lục
- 1. Hiện tượng đái buốt có biểu hiện thế nào?
- 2. Đái buốt là biểu hiện của bệnh gì?
- 2.1. Nhiễm nấm âm đạo
- 2.2. Lạc nội mạc tử cung
- 2.3. Kích ứng với các sản phẩm vệ sinh cá nhân
- 2.4. Phì đại tuyến tiền liệt
- 2.5. Viêm tuyến tiền liệt
- 2.6. Viêm mào tinh hoàn
- 2.7. Nhiễm trùng đường tiết niệu
- 2.8. Mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục
- 2.9. Viêm bàng quang kẽ
- 2.10. Tác dụng phụ của thuốc
- 2.11. Sỏi thận
- 3. Hiện tượng đái buốt có nguy hiểm không?
- 4. Cần làm gì khi bị tiểu buốt?
- 5. Khám tiểu buốt thế nào?
- 6. Điều trị tiểu đau tiểu buốt
- 7. Tổng kết
Hiện tượng đái buốt có biểu hiện thế nào?
Đái buốt hay tiểu buốt là khi bạn đi tiểu mà cảm thấy đau, khó chịu, nóng rát, châm chích, thậm chí là ngứa. Mức độ đau buốt có thể từ nhẹ tới nặng, có người cảm thấy hơi nóng rát, có người lại cảm thấy như đang bị đốt cháy, có người đau buốt tới mức như thấy có dao lam xẻ dọc niệu đạo.
Cơn đau buốt, khó chịu do tiểu buốt gây ra có thể được cảm thấy ở bên trong cơ thể (khi bắt đầu đi tiểu) hoặc cảm thấy khi dòng nước tiểu đi ra ngoài (sau khi đi tiểu). Ở nam giới, cơn đau có thể diễn ra cả trước và sau khi đi tiểu. Tình trạng đau buốt này có thể xuất hiện ở bàng quang, tuyến tiền liệt (đối với nam giới), đầu dương vật (nam giới), bên ngoài âm đạo (nữ giới) hoặc phía sau xương mu.

Đái buốt là biểu hiện của bệnh gì?
Đái buốt có thể là dấu hiệu của nhiều căn bệnh khác nhau, bao gồm:
☛ Nữ giới:
- Nhiễm nấm âm đạo.
- Lạc nội mạc tử cung
- Kích ứng với các sản phẩm vệ sinh cá nhân
☛ Nam giới:
- Phì đại tuyến tiền liệt
- Viêm tuyến tiền liệt
- Viêm mào tinh hoàn
☛ Cả hai giới:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục
- Viêm bàng quang kẽ
- Tác dụng phụ của thuốc
- Sỏi thận
- .v.v.
Ngoài ra, không phải lúc nào bác sĩ cũng có thể xác định được chính xác nguyên nhân gây tiểu buốt.
Phần dưới đây chúng ta cùng tìm hiểu một số nguyên nhân thường gặp gây đái buốt thường gặp.
Nhiễm nấm âm đạo
Là một bệnh xảy ra do sự phát triển quá mức của nấm Candida albicans – một loại nấm sống tự nhiên trong âm đạo của bạn. Bệnh gây kích ứng, tiết dịch đặc màu trắng đục và ngứa dữ dội ở âm đạo, âm hộ. Ngoài ra, bạn cũng có thể bị đi tiểu buốt khi nhiễm nấm.

Lạc nội mạc tử cung
Là hiện tượng các tế bào nội mạc tử cung cùng các tế bào lót niêm mạc của tử cung bị “lạc” ra khỏi tử cung và xuất hiện bên ngoài tử cung.
Các triệu chứng lâm sàng của lạc nội mạc tử cung thường là: đau theo chu kì, đau khi đi tiêu, đau khi quan hệ tình dục, đau vùng xương chậu, có các triệu chứng về ruột hoặc bàng quang (tiểu buốt, tiểu ra máu, tiểu nhiều lần, khó tiểu,…)
Kích ứng với các sản phẩm vệ sinh cá nhân
Đôi khi đi tiểu buốt không phải do một căn bệnh nguy hiểm nào mà nó được gây ra bởi các sản phẩm chăm sóc cá nhân mà bạn dùng, ví dụ: xà phòng, sữa tắm, các loại dung dịch vệ sinh,…
Các sản phẩm này có thể chứa các thành phần gây kích ứng cho mô âm đạo, từ đó gây ra hiện tượng tiểu buốt.
Phì đại tuyến tiền liệt
Khi vào tuổi trung niên, nam giới thường xuất hiện chứng phì đại tuyến tiền liệt (u xơ tuyến tiền liệt). Khi phì đại, tuyến có thể gây chèn ép lên niệu đạo, dẫn tới một số triệu chứng như bí tiểu, tiểu buốt.
☛ Xem thêm: Bệnh phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới là gì?

Viêm tuyến tiền liệt
Đây cũng là một nguyên nhân thường gặp gây ra tiểu buốt ở nam giới.
Viêm tuyến tiền liệt là tình trạng tuyến tiền liệt bị sưng đau, có thể do nhiễm khuẩn hoặc không. Các triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt tương tự như các triệu chứng của phì đại tuyến tiền liệt, gồm: tiểu buốt, tiểu nhiều lần, tiểu khó, tiểu gấp,… Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể bị sốt hoặc có cảm giác ớn lạnh.
Viêm mào tinh hoàn
Đi tiểu buốt cũng có thể do bạn bị viêm mào tinh hoàn.
Viêm mào tinh hoàn là hiện tượng sưng, tấy của mào tinh hoàn – một ống nằm ở phía sau tinh hoàn, có chức năng dự trữ tinh trùng.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Bệnh xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập từ da hoặc trực tràng vào trong niệu đạo, sau đó di chuyển tới bàng quang, gây viêm nhiễm. Trong một số ít trường hợp, vi khuẩn còn có thể xâm nhập vào tới thận, gây viêm bể thận.
Khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu, bạn sẽ có các triệu chứng phổ biến là: tiểu buốt hoặc rát, tiểu thường xuyên, tiểu ra máu, tiểu khó,…

Mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục
Đi tiểu buốt cũng có thể là triệu chứng cảnh báo rằng bạn đã bị mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI). Một số bệnh STI có thể gây tiểu buốt là: mụn rộp sinh dục, bệnh lậu và chlamydia.
Bệnh lây truyền qua đường tình dục là những bệnh lây truyền từ người này sang người khác thông quan quan hệ tình dục, bao gồm qua đường âm đạo, miệng và hậu môn. Tuy nhiên đôi khi chúng cũng có thể lây lan qua các tiếp xúc thân mật khác.
Viêm bàng quang kẽ
Một nguyên nhân khác gây ra tiểu buốt là do bạn bị viêm bàng quang kẽ.
Viêm bàng quang kẽ (IC) là một bệnh mãn tính xảy ra ở bàng quang, người bệnh sẽ cảm thấy đau và có áp lực ở bàng quang; cùng với đó là các triệu chứng tiết niệu kéo dài hơn 6 tuần mà không phải do nhiễm trùng, bao gồm: đái buốt, đái liên tục và khẩn cấp cả ngày lẫn đêm,…
Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc (chẳng hạn như thuốc điều trị ung thư và một số loại thuốc kháng sinh) cũng có thể gây ra hiện tượng tiểu buốt như một tác dụng phụ.
Sỏi thận
Sỏi thận là những chất cặn cứng hình thành trong thận, chúng được tạo thành bởi các khoáng chất và muối có trong nước tiểu.
Bình thường, sỏi thận sẽ không gây ra các triệu chứng nào cho tới khi chúng di chuyển trong thận hoặc đi vào niệu quản – một ống nối giữa thận và bàng quang. Khi sỏi tới niệu quả, bạn sẽ cảm thấy đau buốt khi đi tiểu, cơn đau sắc nét hoặc bỏng rát giống như bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Song song với đó là cảm giác đau dữ dội, đau nhói ở bên và lưng, đau lan xuống bụng và dưới háng,…

Hiện tượng đái buốt có nguy hiểm không?
Như ta đã thấy ở trên, hiện tượng đái buốt do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Trong đó có những nguyên nhân vô hại, không nguy hiểm, như do kích ứng với các sản phẩm chăm sóc cá nhân.Nhưng tiểu buốt cũng có thể là triệu chứng cảnh báo một tình trạng y tế nào đó mà bạn đang mắc phải. Trong trường hợp này, nếu bạn không kịp thời chẩn đoán và điều trị, bệnh có thể tiến triển và trở nên nghiêm trọng hơn, gây ra những biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.Ví dụ:
- Phì đại tuyến tiền liệt nếu không điều trị có thể gây ra bí tiểu cấp tính – một vấn đề y tế khẩn cấp có thể đe dọa tính mạng, tổn thương bàng quang hoặc thận, nhiễm trùng đường tiết niệu,…
- Nhiễm trùng đường tiết niệu nếu không điều trị có thể gây nhiễm trùng toàn cơ thể, trở thành một vấn đề cực kì nghiêm trọng đe dọa tính mạng.
- Lạc nội mạc tử cung nếu không điều trị có thể dẫn tới thống kinh (đau khi hành kinh), vô sinh hoặc giảm khả năng mang thai, đau khi quan hệ tình dục,…
- .v.v.
Cần làm gì khi bị tiểu buốt?
Nếu bị tiểu buốt, việc đầu tiên là bạn KHÔNG được tự ý mua bất kì một loại thuốc nào để tự điều trị mà CẨN phải đi khám bệnh càng sớm càng tốt.
Trong trường hợp bạn bị đái buốt kèm theo các triệu chứng sốt/ớn lạnh, buồn nôn/nôn mửa thì phải cấp cứu tới viện để được kịp thời điều trị.
Khám tiểu buốt thế nào?
Để chẩn đoán nguyên nhân gây ra tiểu buốt, đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi bạn một số câu hỏi như:
- Tình trạng bệnh trước đây và hiện tại của bạn
- Bạn cảm thấy đi tiểu đau buốt thế nào? Mức độ
- Các triệu chứng kèm theo là gì?
- Các triệu chứng tiểu buốt bắt đầu khi nào?
- Tiền sử tình dục của bạn (để xác định xem STI có thể là nguyên nhân hay không)
- Các loại thuốc bạn đang sử dụng
- .v.v.
Sau khi thăm khám và hỏi, họ sẽ nghi ngờ một số nguyên nhân nào đó rồi đề nghị bạn làm một số xét nghiệm chẩn đoán chính xác, chẳng hạn:
- Xét nghiệm nước tiểu
- Các xét nghiệm để tầm soát STI, đặc biệt nếu nam giới bị chảy mủ từ dương vật hoặc phụ nữ có dịch tiết ra từ âm đạo.
- Nếu bạn là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, có thể thử thai.
- Phết âm đạo
- Cấy nước tiểu
- .v.v.
Điều trị tiểu đau tiểu buốt
Sau khi xác định được nguyên nhân gây ra hiện tượng tiểu buốt của bạn, bác sĩ sẽ lên phác đồ để điều trị dựa vào nguyên nhân đó. Ví dụ:
- Thuốc kháng sinh để điều trị các nguyên nhân liên quan tới nhiễm trùng (nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn, bệnh lây truyền qua đường tình dục,…)
- Thuốc để làm dịu bàng quang trong chứng viêm bàng quang kẽ
- Thuốc chẹn alpha, thuốc ức chế men chuyển 5a – reductase để điều trị phì đại tuyến tiền liệt
- Phẫu thuật điều trị phì đại tuyến tiền liệt, lấy sỏi thận
- .v.v.
☛ Chi tiết: Đái buốt và cách điều trị
Tổng kết
Hiện tượng đi tiểu buốt là một vấn đề tiết niệu phổ biến và có thể xảy ra ở nam, nữ mọi đọ tuổi. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tiểu buốt. Vì thế, để việc điều trị được hiệu quả, cần xác định được chính xác nguyên nhân, từ đó mới có được phương pháp điều trị phù hợp.
Em bị tiêu buốt 2 năm rồi điều trị nhìu nơi mà ko khỏi. Vậy em nên làm sao là tốt nhất
Chào anh Lộc,
Tiểu buốt ở nam giới có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó tỉ lệ cao thường gặp trong các bệnh lý về hệ thận tiết niệu như: viêm đường tiết niệu, viêm bàng quang, sỏi tiết niệu… Nếu các triệu chứng tiểu buốt kéo dài thường xuyên, anh nên sắp xếp thời gian đi khám kiểm tra để được chẩn đoán chính xác.
Anh chú ý uống đủ 2 lít nước hàng ngày, ăn nhiều đồ mát, bổ sung nhiều rau xanh và hoa quả, hạn chế đồ ăn cay nóng hay các chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá… Ngoài ra, anh có thể kết hợp dùng thêm viên uống Niệu Bảo giúp làm mát cơ thể, lợi tiểu giúp đường tiểu thông thoáng hơn, đồng thời tái tạo vùng niêm mạc tiết niệu bị tổn thương, hạn chế nguy cơ viêm đường tiết niệu tái phát! Liều dùng Niệu Bảo 6 viên/ngày/2 lần, trước ăn 30 phút hoặc sau ăn 1h, trong 1 tuần đầu, triệu chứng giảm giảm liều 4 viên/ngày/2 lần, duy trì trong 2-3 tuần tiếp theo anh nhé!
Cần hỗ trợ thêm, anh vui lòng liên hệ tổng đài miễn cước 18001723 để nhận tư vấn trực tiếp anh nhé!