Tiểu buốt là vấn đề khá phiền phức đối với cả nam giới lẫn nữ giới, đem đến nhiều bất tiện cho việc sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân. Vì vậy rất nhiều người lo lắng rằng khi họ bị tiểu buốt thì phải làm sao. Bài viết này hy vọng có thể trở thành lời khuyên bổ ích cho mọi người về vấn đề này.
➤ Xem trước: Tổng quan về chứng tiểu buốt
Mục lục
Biểu hiện nói rằng bạn đang mắc chứng tiểu buốt
Tiểu buốt là một triệu chứng không khó xác định. Chúng ta có thể dễ dàng biết được có phải mình đang bị tiểu buốt không thông qua những biểu hiện khi đi vệ sinh.
Điển hình của tiểu buốt là cơn đau, nóng rát sau khi đi tiểu. Nước tiểu nhỏ thành giọt chứ không chảy thành dòng. Những triệu chứng này gây ra sự khó chịu nhất định cho người bệnh. Khi đó bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra chắc chắn hơn.
Nếu bạn bị tiểu buốt mà đi kèm thêm những biểu hiện như sau thì cần khẩn trương đến bệnh viện hơn.
- Đi tiểu đau hơn 1 ngày
- Có máu trong nước tiểu
- Sốt
- Tiết dịch từ dương vật hoặc âm đạo
Trong đó, đặc biệt chú ý hơn là tiểu buốt kèm ra máu. Bạn có thể nhìn thấy trực tiếp màu hồng trong nước tiểu hoặc dựa vào xét nghiệm. Đây là dấu hiệu cảnh báo rằng bạn đang có bệnh lý liên quan đường tiết niệu và thận nên cần đi khám ngay.
Nguyên nhân thường gặp gây tiểu buốt
Để có thể điều trị dứt điểm được tiểu buốt thì chúng ta cần hiểu được những bệnh lý nào có thể gây ra chứng tiểu buốt.
Có rất nhiều nguyên nhân đưa ta đến chứng bệnh tiểu buốt:
- Nguyên nhân ở thận: Sỏi thận, viêm bể thận…
- Bệnh của tiền liệt tuyến: Viêm tiền liệt tuyến, phì đại tiền liệt tuyến, ung thư tiền liệt tuyến…
- Nguyên nhân từ bàng quang: Sỏi bàng quang, viêm bàng quang, hẹp cổ bàng quang, ung thư bàng quang…
- Tác dụng không mong muốn của thuốc: Việc bạn đang dùng các loại thuốc này trong một thời gian dài cũng là nguyên nhân: kháng sinh nhóm penicillin, aspirin, ibuprofen, một số thuốc tránh thai,…
- Viêm nhiễm nói chung: Các bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai… đều khiến người bệnh tiểu buốt. Nhiễm khuẩn ngược dòng khi thông tiểu, làm thủ thuật
Tiểu buốt gây ảnh hưởng gì đến người bệnh?
Khi bạn mắc chứng tiểu buốt bạn sẽ đối mặt với rất nhiều vấn đề sức khỏe do bệnh gây ra:
Ảnh hưởng đến thói quen tiểu tiện
Bình thường người bệnh sẽ luôn cảm thấy thoải mái ngay sau mỗi lần đi tiểu, quá trình đi tiểu dễ dàng, không hề thấy buốt rát hay đau đớn. Nhưng khi gặp chứng tiểu buốt bệnh nhân có xu hướng nhịn tiểu, sợ đi tiểu, trong khi đó áp lực từ bàng quang đổ xuống liên tục tăng.
Lâu dần tình trạng này không được cải thiện sẽ dẫn đến bí tiểu, đái không tử chủ, rỉ rả nước tiểu, cơ ở cổ bàng quang mất dần chức năng. Nước tiểu ở lại trong thận, bàng quang quá lâu dễ gây ra sỏi các vị trí tương ứng.
Gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn
Một phần quá trình đi tiểu sẽ rửa trôi các vi khuẩn bám vào đường dẫn niệu, bảo vệ các cơ quan phía trên. Tuy nhiên, khi bệnh nhân ít đi tiểu vi khuẩn sẽ dễ xâm nhập sâu vào niệu đạo, bàng quang thậm chí lên tới thận.
Tâm lý căng thẳng, không thoải mái
Tiểu buốt làm người bệnh luôn luôn nghĩ đến việc làm sao để nhanh chóng thoát khỏi tình trạng này gây mất tập trung, ảnh hưởng đến công việc cũng như sinh hoạt hằng ngày.
Nguy cơ vô sinh
Như chúng ta đã biết, hệ tiết niệu cùng các cơ quan lân cận có mối liên quan mật thiết với chức năng sinh sản. Do đó, khi tiểu buốt lâu ngày các bệnh lý viêm bàng quang, viêm tiền liệt tuyến…dễ mắc hơn ảnh hưởng tới sinh hoạt tình dục và chức phận sinh sản
Phải làm gì khi gặp chứng tiểu buốt?
Tìm đến bác sĩ
Tiểu buốt tuy không phải là bệnh cấp cứu hay là nan y nhưng không thể chủ quan không chữa. Việc nên làm sau khi nghi ngờ mình bị tiểu buốt là đến Cơ sở, Trung tâm y tế uy tín, đáng tin cậy, gần đó để thăm khám chắc chắn và nhận được điều trị thích hợp.
Quan trọng nhất trong tiểu buốt vẫn là điều trị nguyên nhân. Chỉ cần các bệnh lý căn nguyên biến mất thì chứng tiểu buốt cũng sẽ mất theo. Việc tìm ra nguyên nhân thì hãy đến bệnh viện, các bác sĩ sẽ tìm ra giúp bạn.
Nếu nguyên nhân tiểu buốt nằm trên việc bạn bị viêm nhiễm thì bác sĩ có thể sử dụng kháng sinh ví dụ như quinolon thế hệ 2 chữa trị, uống trong vòng 2 tuần. Những thuốc này cần phải có bác sĩ kê đơn, bệnh nhân không được tự ý mua nếu chưa được thăm khám.
Nếu phát hiện nguyên nhân do bị sỏi thì bạn có thể được bán sĩ tư vấn lấy sỏi, làm tiêu sỏi, tán sỏi,…
Thuốc kháng nấm sẽ được bác sĩ chỉ định bôi trong các trường hợp nguyên nhân do nấm.
Để có được hiệu quả điều trị tốt nhất cũng như an toàn nhất, cần tìm đến các cơ sở y tế chính thống, có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y bác sĩ chuyên môn tốt, đáng tin cậy, phù hợp với kinh tế gia đình.
Chế độ ăn uống
Bạn nên tạo cho bản thân một thói quen thường xuyên uống nước trong ngày, uống ngay cả khi bạn không khát.
Lượng nước đủ và đúng là uống theo nhu cầu của cơ thể tính theo cân nặng của mỗi người chứ không nên uống 2 lít/mỗi ngày theo khuyến cáo điều này không hoàn toàn đúng với mỗi người.
Tích cực ăn hoa quả chứa nhiều vitamin C: cam, quýt…, tăng cường chế độ ăn nhiều rau xanh cũng là một cách giúp thanh lọc cơ thể hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn của cơ thể.
Một số loại thực phẩm có tác dụng trong điều trị tiểu buốt: mồng tơi, bí đao, nước sắn dây, nước râu ngô…
- Sắn dây có tính mát, có vị ngọt nên hiệu quả trong việc thanh lọc cơ thể, thải độc, qua đó tăng bài xuất nước tiểu giảm các rối loạn tiểu tiện. Chế biến sắn dây thành nước khá đơn giản, bạn chỉ cần cạo sạch vỏ sắn sau đó đem phơi khô, tiếp theo nghiền thành bột rồi pha với nước dùng để uống hàng ngày có thể thêm đường cho dễ uống hơn.
- Bí đao là một thực phẩm có thể thấy trong bữa cơm hàng ngày, bí đao có tính mát, thanh lọc cơ thể, loại bỏ độc tố. Với bí đao thì có nhiều cách chế biến như: bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày thông qua luộc hoặc nấu canh, cũng có thể nghiền lấy nước uống, hoặc ăn sống trực tiếp.
- Mồng tơi đây cũng là một loại rau thường sử dụng trong chế biến đồ ăn hàng ngày. Mồng tơi hiệu quả trong việc nhuận tràng, giải độc, giải rượu, nóng trong người góp phần hạn chế các bệnh đường tiết niệu. Mồng tơi ngắt lấy lá đem nấu thành canh ăn hàng ngày hoặc có thể đun thành trà uống.
- Râu ngô có tính mát và giúp lợi tiểu nên hiệu quả trong điều trị tiểu buốt. Bạn có thể dùng râu ngô đã phơi khô sắc thành nước uống hàng ngày.
Đồng thời, hạn chế ăn nhiều đồ dầu mỡ, cay nóng, sử dụng các chất kích thích: rượu, bia…. vì những thực phẩm này đều gây nóng trong máu tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển qua đó xuất hiện nhiều bệnh lý rối loại tiểu tiện, ảnh hưởng một phần đến sức khỏe của bạn.
Tập thói quen đi tiểu thường xuyên và không nhịn tiểu khi buồn
Không nên tạo thói quen nhịn tiểu, mà nên đi tiểu ngay khi có cảm giác buồn tiểu.
Bởi nhịn tiểu sẽ khiến nước tiểu ứ đọng trong bàng quang gây chèn ép vào đường tiết niệu làm ảnh hưởng tới chức năng bài xuất nước tiểu.
Đồng thời, nếu thường xuyên nhịn tiểu có thế làm tích tụ nước tiểu trong bàng quang, tạo môi trường thuận lợi để cho vi khuẩn phát triển gây nên các nhiễm khuẩn đường tiết niệu dẫn đến chứng tiểu buốt.
Thậm chí, có thể gây nên sỏi đường tiết niệu do sự lắng cặn nước tiểu.
Duy trì rèn luyện thể dục, thể thao
Thể dục thể thao thường xuyên giúp tăng cường thể lực của cơ thể, từ đó giúp bạn phòng tránh được nhiều bệnh tật. Tập thể thao giúp kích thích cơ thể uống nhiều nước tăng bài tiết nước tiểu hạn chế được tình trạng tiểu buốt.
Tuy nhiên, bạn nên tập luyện một cách vừa phải có khoa học, tập theo thể trạng của bản thân không nên tập quá gắng sức vì có thể gây tác dụng xấu cho cơ thể.
Sinh hoạt tình dục điều độ
Trong khi bạn đang bị tiểu buốt thì một lời khuyên chân thành cho bạn là: không nên quan hệ tình dục bởi có thể lây lan vi khuẩn cho bạn tình của bạn.
Nếu mà cho dù bạn có quan hệ tình dục trong thời gian này cũng sẽ làm giảm hứng thú của bạn, vì cảm giác đau buốt ở bộ phận sinh dục ngoài dẫn đến giảm ham muốn của bạn. Từ đó, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn.
Tránh để bản thân căng thẳng, lo lắng
Tâm lý tưởng chừng như không liên quan đến sự rối loạn tiểu tiện nhưng cũng ảnh hưởng tới việc điều trị bệnh.
Cơ thể stress, lo lắng cũng là một nguyên nhân gây nên bệnh tật, bởi một khi cơ thể mệt mỏi thì sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại xâm nhập chiếm chỗ của các vi khuẩn có lợi trong hệ miễn dịch.
Đồng thời, căng thẳng làm trì trệ hoạt động của các cơ quan khiến các chức năng của cơ thể bị hạn chế trong có hoạt động bài xuất nước tiểu làm nên chứng tiểu buốt.
Vệ sinh cơ thể sạch sẽ hằng ngày
Mỗi lần tắm rửa hoặc đi vệ sinh cần vệ sinh sạch sẽ vùng kín, vì đây là những nơi vi khuẩn có hại dễ dàng xâm nhập gây bệnh đặc biệt là bệnh tiết niệu tạo nên chứng tiểu buốt.
Chú trọng vệ sinh vùng kín hàng ngày, có thể sử dụng nước muối ấm. Muối có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm. Đặc biệt trong quan hệ tình dục dễ lây nhiễm vi khuẩn sang cho bạn tình.
Vì vậy, sử dụng nước muối pha loãng vệ sinh vùng kín trước và sau khi quan hệ cũng là một cách để hạn chế sự xâm nhập, lan truyền vi khuẩn góp phần hạn chế bệnh về đường tiết niệu, giảm chứng tiểu buốt.
➤ Xem thêm: Bài thuốc chữa tiểu buốt hiệu quả
Lời kết
Hy vọng sau khi đọc được bài viết này, các bạn sẽ không còn phải quá lo lắng khi bị tiểu buốt thì nên làm thế nào nữa. Đến gặp bác sĩ vẫn là sự lựa chọn ưu tiên hàng đầu với người bị tiểu buốt. Bên cạnh đó, các bài thuốc Nam cũng mang đến hiệu quả tuyệt vời đối với trường hợp nhẹ. Việc áp dụng lối sống lành mạnh cũng là một biện pháp đáng lưu ý nếu bạn muốn thoát khỏi chứng bệnh này sớm. Chúc bạn sớm có một sức khỏe thật tốt!
Tài liệu tham khảo:
https://www.healthline.com/health/abdominal-pain-and-painful-urination#urethritis
https://www.mayoclinic.org/symptoms/painful-urination/basics/causes/sym-20050772
Tác dụng có thể khác nhau tuỳ cơ địa của người dùng