Theo thống kê, khoảng 1/3 người lớn trên 30 tuổi mắc chứng tiểu đêm nhiều lần và tỉ lệ này tăng dần theo độ tuổi. Vậy tiểu đêm nhiều lần là do đâu? Tiểu đêm nhiều lần có phải thận yếu không?
Mục lục
Thế nào là tiểu đêm nhiều?
Tiểu đêm nhiều lần hay tiểu đêm là thuật ngữ y tế dùng để chỉ tình trạng một người phải thức dậy để đi tiểu nhiều hơn một lần vào ban đêm.
Thông thường, chúng ta có thể ngủ liên tục từ 6-8 tiếng trong đêm mà không cần dậy đi vệ sinh hoặc đôi khi, chúng ta có thể thức dậy 1-2 lần trong đêm để đi tiểu, nhưng nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên thì nó là một vấn đề không bình thường và báo hiệu bạn đang có vấn đề tiềm ẩn nào đó.
Tiểu đêm nhiều lần là dấu hiệu – triệu chứng, bản thân tình trạng này không phải là một căn bệnh.
☛ Tìm hiểu thêm: Tiểu đêm nhiều lần là bệnh gì?
Đi tiểu đêm nhiều có phải thận yếu không?
Tiểu đêm nhiều lần được chia thành ba loại chính, gồm:
- Đa niệu (Polyuria)
- Đa niệu về đêm (Nocturnal polyuria)
- Tăng tần suất tiểu đêm (Nocturnal urinary frequency)
Mỗi loại này lại do những nguyên nhân khác nhau gây ra. Trong đó, tiểu đêm nhiều lần thuộc chứng đa niệu thường là do thận suy giảm chức năng, lọc quá nhiều nước. Phần dưới đây chúng ta cùng tìm hiểu kỹ hơn về các loại này.
☛ Đa niệu (Polyuria) là những người đi tiểu >3.000ml trong 24 giờ (cả ngày lẫn đêm). Điều này thường là do thận bị suy giảm chức năng trong bệnh thận mãn tính hoặc do một số căn bệnh khác (tiểu đường loại 1, 2 chưa được điều trị; đái tháo đường thai kì; đái tháo nhạt). Cụ thể như sau:
– Trong bệnh thận mãn tính. Do sự suy giảm chức năng thận mà khả năng cô đặc nước tiểu của thận cũng bị suy giảm theo. Song song với đó, những người bị bệnh thận mãn tính cũng có những tổn thương khoang kẽ, khiến thận không thể cô đặc tối đa nước tiểu. Điều này dẫn tới hiện tượng tiểu đêm nhiều lần. (Thông thường, nước tiểu sẽ trở nên cô đặc hơn vào ban đêm để giúp chúng ta có thể ngủ liên tục 6-8 giờ mà không cần thức dậy đi vệ sinh).
– Trong bệnh đái tháo đường không được điều trị. Lượng nước tiểu có nồng độ glucose cao (>250 mg/dL) sẽ vượt quá khả năng tái hấp thu của ống thận, dẫn đến lượng glucose cao trong ống thận, điều này khiến nước bị kéo ra ngoài thụ động, dẫn đến tăng thể tích nước tiểu nhiều, dẫn tới chứng tiểu đêm nhiều lần.
– Trong bệnh đái tháo nhạt do thận. Đây là tình trạng thận không có khả năng cô đặc nước tiểu do giảm đáp ứng với hormone ADH (vasopressin)(*), khiến thận tăng thải nước tiểu xuống bàng quang, làm bàng quang nhanh chóng bị căng đầy, dẫn tới chứng tiểu đêm nhiều lần.
(*) Hormone ADH còn được gọi là hormone chống bài niệu. Hiểu đơn giản, hormone này có vai trò tái hấp thu nước ở ống thận, khiến cho nước tiểu cô đặc hơn và làm thận thải ít nước tiểu hơn. Tùy vào tình trạng cơ thể mà ADH sẽ được tiết ra nhiều hoặc ít một cách phù hợp.
– Trong bệnh đái tháo nhạt trung ương. Tình trạng này xảy ra khi cơ thể hoàn toàn không có ADH hoặc thiếu hụt một phần ADH do vùng dưới đồi và tuyến yên bị tổn thương. Như ta đã biết ở trên, ADH giúp cô đặc nước tiểu, vì thế nếu không có ADH hoặc có quá ít ADH, lượng nước tiểu sẽ bị thải ra khỏi cơ thể nhiều hơn và loãng hơn, dẫn đến triệu chứng tiểu đêm nhiều lần.
☛ Đa niệu về đêm. Những người mắc chứng đa niệu về đêm chỉ có lượng nước tiểu cao về đêm, còn lượng nước tiểu trong ngày của họ bình thường hoặc giảm. Điều này xảy ra là do mắc một số bệnh lý khiến chất lỏng tích tụ trong các mô của cơ thể, đặc biệt là ở bàn chân hoặc cẳng chân. Cho tới khi bạn nằm xuống để ngủ, trọng lực không còn giữ chất lỏng ở chân nữa, lượng chất lỏng này sẽ chảy ngược lại vào tĩnh mạch và được thận lọc, tạo ra nước tiểu, khiến bạn đi tiểu nhiều lần về đêm.
Các tình trạng có thể gây ra sự tích tụ chất lỏng là: suy tim sung huyết, phù chi dưới, chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, do sử dụng một số loại thuốc, suy gan, uống quá nhiều chất lỏng trước khi đi ngủ (đặc biệt là cà phê, đồ uống có chứa caffein hoặc rượu), có một chế độ ăn uống nhiều natri,…
Đa niệu về đêm cũng có thể xảy ra do khiếm khuyết trong việc bài tiết ADH hoặc thận không phản ứng với hoạt động của ADH. Xảy ra do suy thận, hội chứng thận hư,…
☛ Tăng tần suất tiểu đêm. Ở loại này, bạn đi tiểu đêm nhiều lần và mỗi lần tiểu thì số lượng nước tiểu ít. Tuy đi tiểu nhiều lần nhưng tổng lượng nước tiểu được sản xuất không tăng lên. Điều này thường là do bàng quang không có khả năng làm rỗng hoàn toàn (đây là lý do tại sao nó đầy nhanh hơn và làm bạn buồn tiểu nhiều hơn) hoặc bàng quang không có khả năng đầy hoàn toàn (thể tích bàng quang thấp).
Các nguyên nhân khiến bàng quang không thể làm rỗng hoàn toàn là:
- Bàng quang bị tắc nghẽn
- Phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới
Các nguyên nhân khiến bàng quang không thể đầy là:
- Hội chứng bàng quang hoạt động quá mức
- Nhiễm trùng bàng quang hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát .
- Viêm bàng quang
- Viêm bàng quang kẽ
- Khó thở khi ngủ.
Nên làm gì nếu bị tiểu đêm nhiều lần?
Tiểu đêm nhiều lần là một tình trạng quan trọng cần được chú ý. Bởi nó có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ mãn tính, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe chung của bệnh nhân. Nó có thể khiến bạn trở nên cục cằn hơn, ảnh hưởng tới năng suất công việc vào ban ngày.
Ngoài tình trạng thiếu năng lượng, mệt mỏi vào ban ngày thì cảm giác phiền muộn do thức giấc vào ban đêm có thể góp phần làm trầm trọng thêm các tình trạng sức khỏe hiện có.
Hơn nữa, có nhiều bằng chứng cho thấy tiểu đêm nhiều lần gián tiếp làm tăng nguy cơ tử vong. Bởi nó tác động bất lợi đến giấc ngủ và các bệnh đi kèm khác, làm ảnh hưởng tới khả năng đi lại và phán đoán, khiến bạn dễ bị ngã, dẫn tới tàn tật và tử vong, đặc biệt là ở những người lớn tuổi. (Bạn có thể vẫn còn đang buồn ngủ khi đi tiểu và hành lang tối khiến bạn dễ vấp ngã hơn).
Điều trị
Để điều trị tiểu đêm nhiều lần hiệu quả, cần xác định được nguyên nhân gây bệnh. Về cơ bản, việc điều trị bao gồm một số phương pháp sau:
Thay đổi lối sống
- Hạn chế uống nước vào ban đêm.
- Uống nhiều chất lỏng trong ngày (đặc biệt là nước lọc), nhưng hạn chế uống 2-4 giờ trước khi ngủ. Hạn chế rượu, caffein, soda, trà.
- Chú ý việc sử dụng thuốc lợi tiểu
- Một số người bị tích nước ở chân thì khi ngủ nên kê cao chân. Điều này giúp tái phân phối chất lỏng trở lại máu, giảm nhu cầu đi tiểu.
- Ngủ những giấc ngắn vào buổi chiều nếu bạn không ngủ ngon giấc vào ban đêm. Một giấc ngủ ngắn sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn trong ngày, đồng thời nó cũng giúp chất lỏng được hấp thụ vào máu. Tuy nhiên không nên ngủ trưa quá lâu hoặc quá thường xuyên để tránh làm ảnh hưởng tới việc ngủ vào ban đêm.
- Nếu bạn bị đái dầm vào buổi đêm, bạn có thể sử dụng một số sản phẩm hỗ trợ để giúp giường khô ráo hơn. Ví dụ, vỏ nệm không thấm nước, quần sịp thấm nước và các sản phẩm chăm sóc da.
Thuốc men
Nếu thay đổi lối sống không giúp bạn chữa chứng tiểu đêm nhiều lần, bác sĩ có thể kê cho bạn một số loại thuốc (tùy thuộc vào tình trạng và nguyên nhân bệnh của bạn).
Một số loại thuốc có thể được kê là:
- Thuốc giúp thận sản xuất ít nước tiểu hơn. Ví dụ, Desmopressin.
- Thuốc kháng cholinergic để điều trị các vấn đề về cơ bàng quang. Chúng làm giãn bàng quang nếu nó bị co thắt. Ví dụ: Darifenacin, Oxybutynin, Tolterodine, Trospium Chloride,…
- Thuốc lợi tiểu để điều chỉnh sản xuất nước tiểu. Ví dụ, Bumetanide, Furosemide.
- Thuốc chẹn alpha, thuốc ức chế 5-alpha để điều trị phì đại tuyến tiền liệt
- .v.v.
Kích thích thần kinh
Với những bệnh nhân bị tiểu đêm nhiều lần do bàng quang hoạt động quá mức, bạn có thể được chỉ định điều trị bằng phương pháp kích thích thần kinh. Phương pháp này sử dụng một dòng điện nhẹ để giúp bạn kiểm soát tốt hơn các cơ trong bàng quang và làm giảm bớt cảm giác buồn tiểu mạnh.
Phẫu thuật
Khi thay đổi lối sống và thuốc không có tác dụng, bác sĩ có thể đề nghị bạn làm phẫu thuật. Tỷ lệ thành công của cuộc phẫu thuật phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản. Một số nguyên nhân gây tiểu đêm nhiều lần có thể điều trị bằng phẫu thuật là:
- Phẫu thuật tuyến tiền liệt cho nam giới bị phì đại tuyến tiền liệt
- Phẫu thuật điều trị chứng bàng quang hoạt động quá mức
- Phẫu thuật điều trị suy tim
- .v.v.
Kết luận
Tiểu đêm nhiều lần là tình trạng bạn phải thức giấc trong đêm hơn một lần để đi tiểu. Thận yếu là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tiểu đêm nhiều lần, các nguyên nhân thường gặp khác là: phì đại tuyến tiền liệt, ngưng thở khi ngủ, tắc nghẽn bàng quang, hội chứng bàng quang hoạt động quá mức,…. Tình trạng này gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của người bệnh, chính vì thế nó cần được quan tâm và điều trị phù hợp. Có nhiều phương pháp điều trị tiểu đêm nhiều lần, tùy thuộc vào nguyên nhân bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ phù hợp.
Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo và không thay thể cho bất kì chẩn đoán y khoa chuyên nghiệp nào.
Tác dụng có thể khác nhau tuỳ cơ địa của người dùng