Hiện tượng đi tiểu đêm ở người già rất phổ biến. Những rối loạn tiểu tiện này do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng đều gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Cùng tìm hiểu về hiện tượng này và cách khắc phục.
Mục lục
Tiểu đêm ở người già – Không hiếm gặp
Theo Hiệp Hội Tiết Niệu Hoa Kỳ (AUA), những người phải thức dậy nhiều hơn một lần để đi tiểu mỗi đêm là đủ để chẩn đoán mắc chức đi tiểu đêm thường xuyên, hay còn gọi là tiểu đêm.
Mặc dù tình trạng này có thể xảy ra với bất kì ai và ở bất kì độ tuổi nào, nhưng nó thường thấy nhất ở những người trên 60 tuổi, tần suất tăng dần theo độ tuổi và phổ biến ở cả hai giới. Một nghiên cứu năm 2010 trên Tạp chí Tiết niệu cho biết, có tới 1/3 nam giới trong độ tuổi từ 20 đến 40 có ít nhất một lần đi tiểu đêm; ở cùng nhóm tuổi, con số này ở nữ giới cao hơn một chút, lên tới 43%. Trong đó, 1/5 nam giới và phụ nữ đi tiểu từ 2 lần trở lên mỗi đêm.
Bước sang tuổi trên 70, con số này tăng lên, hơn 2/3 nam giới và nữ giới gặp tình trạng đi tiểu ít nhất một lần mỗi đêm và tới 60% đi tiểu hai hoặc nhiều hơn hai lần mỗi đêm.
Những năm 80 tuổi, con số mắc tăng lên 80-90% ở cả hai giới.
Tuy nhiên, tiểu đêm không được coi là một phần bình thường của quá trình lão hóa và có thể là dấu hiệu của nhiều tình trạng nghiêm trọng (ngoài những bệnh liên quan đến chu kỳ sinh học bị gián đoạn). Vì thế, nên hỏi ý kiến bác sĩ càng sớm càng tốt nếu bạn phải thức dậy để đi tiểu từ hai lần trở lên mỗi đêm.
➤ Tìm hiểu thêm: Chứng tiểu đêm là gì?
Các loại tiểu đêm
Về chứng tiểu đêm nói chung và tiểu đêm ở người già nói riêng, cơ bản đều được chia thành 4 loại, đó là:
- Đa niệu về đêm. Tình trạng sản xuất lượng nước tiểu quá nhiều trong đêm.
- Đa niệu toàn thể. Cơ thể sản xuất dư thừa nước tiểu vào cả ban ngày lẫnban đêm.
- Dung tích bàng quang về đêm thấp. Bàng quang không thể chứa nhiều chất lỏng trong đêm.
- Tiểu đêm hỗn hợp. Là sự kết hợp của 3 dạng tiểu đêm phía trên.
Nguyên nhân gây tiểu đêm ở người già
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây tiểu đêm ở người già, đôi khi còn có thể là sự kết hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến.
Hormone
Nguyên nhân thường gặp nhất gây ra chứng tiểu đêm ở người già là do giảm tiết hormone chống bài niệu về đêm.
Hormone chống bài niệu hay Vasopressin (ADH) là một hormone peptide được tiết ra từ thùy sau tuyến yên. Tác dụng quan trọng nhất của hormone này là bảo tồn nước trong cơ thể bằng cách giảm mất nước trong nước tiểu. Chúng liên kết với các thụ thể trong ống góp của thận và thúc đẩy tái hấp thu nước trở lại hệ tuần hoàn. Thông thường, hormone ADH được tăng tiết vào ban đêm để làm lượng nước tiểu về đêm giảm xuống, từ đó giảm thiểu tình trạng thức giấc do nước tiểu gây ra.
Khi chúng ta già đi, những thay đổi liên quan đến tuổi tác trong hệ tiết niệu, chức năng thận,… sẽ làm giảm tiết hormone chống bài niệu vào ban đêm, chính sự thiếu hụt này trở thành nhân chính gây ra chứng tiểu đêm ở người già.
Bàng quang hoạt động quá mức
Bàng quang hoạt động quá mức hay bàng quang tăng hoạt (OBA) cũng là một nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng tiểu đêm ở người già, người cao tuổi.
Bàng quang hoạt động quá mức xảy ra khi các cơ bàng quang co thắt một cách không chủ ý, ngay cả khi lượng nước tiểu trong bàng quang thấp, bàng quang chưa đầy. Điều này tạo ra cảm giác muốn đi tiểu thường xuyên và đột ngột mà khó kiểm soát. Nếu bàng quang hoạt động quá mức cả ngày, bạn có thể buồn tiểu nhiều cả ngày lẫn đêm. Nếu bàng quang hoạt động quá mức về đêm, bạn thường chỉ đi tiểu nhiều về đêm.
Phì đại tuyến tiền liệt
Ở một số nam giới cao tuổi, tiểu đêm là một triệu chứng rất phổ biến và rất đáng lo ngại của bệnh phì đại tuyến tiền liệt.
Phì đại tuyến tiền liệt là tình trạng tuyến tiền liệt có sự tăng trưởng về kích thước khi nam giới già đi. Do vị trí của tuyến là ngay dưới bàng quang và bao quanh niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể) mà khi tuyến này tăng trưởng, nó có thể chèn ép vào niệu đạo và bàng quang, làm cản trở dòng chảy của nước tiểu và gây ra một loạt triệu chứng tiết niệu, như: tiểu đêm, tiểu nhiều lần, tiểu yếu, tiểu són,…
➤ Tìm hiểu thêm: Phì đại tuyến tiền liệt là bệnh gì?
Rối loạn giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ hay còn gọi là mất ngủ thường đi kèm với chứng tiểu đêm. Theo nhiều nghiên cứu, tiểu đêm và chứng mất ngủ có mối liên hệ chặt chẽ và tác động qua lại lẫn nhau. Khi bạn bị rối loạn giấc ngủ, bạn có thể có các tư thế ngủ bất thường, điều này làm tăng sản xuất hormone bài niệu, dẫn tới làm tăng sản xuất nước tiểu.
Người già là nhóm đối tượng thường xuyên gặp các vấn đề liên quan tới giấc ngủ nhất, họ hay bị thức giấc nửa đêm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều này lý giải vì sao tiểu đêm ở người già là một hiện tượng thường gặp.
Lối sống
Nếu bạn uống quá nhiều chất lỏng trước khi đi ngủ, đặc biệt là đồ uống có chứa caffein hoặc cồn, bạn có nguy cơ cao gặp tình trạng đi tiểu nhiều về đêm. Bởi khi bạn ngủ, thận sẽ lọc các chất lỏng này ra ngoài, hơn thế nữa caffein và cồn còn có thể hoạt động như một chất lợi tiểu, khiến bạn phải đi tiểu nhiều hơn.
Thuốc
Một số loại thuốc lợi tiểu, thuốc huyết áp có thể làm huyết áp của bạn bằng cách loại bỏ chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Vì thế khi bạn dùng những loại thuốc này vào ban đêm, chúng có thể làm tăng sản xuất nước tiểu về đêm, gây tình trạng tiểu đêm ở người già.
Lão hóa bàng quang, nhão cơ bàng quang
Ở người cao tuổi nói chung hay nữ giới cao tuổi sinh đẻ nhiều nói riêng thì hệ cơ của bàng quang bị suy yếu, nên mất hoặc giảm khả năng nhịn tiểu. Từ đó, họ thường bị tiểu đêm.
Bệnh lý làm giảm dung tích bàng quang
Một số bệnh lý như viêm bàng quang do nhiễm khuẩn hay viêm do xạ trị, nhiễm khuẩn hệ tiết niệu, lao bàng quang,… làm giảm dung tích bàng quang so với khả năng lọc của thận, gây phản xạ đi tiểu nhiều về đêm ở người già.
Tiểu đêm nhiều gây hậu quả gì?
Tiểu đêm nhiều có thể gây suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh, không chỉ vậy nó còn có thể ảnh hưởng tới cả người thân của họ.
Ngủ không ngon
Như đã nói ở trên, giấc ngủ và tiểu đêm có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Rối loạn giấc ngủ khiến bạn gặp tình trạng tiểu đêm nhiều và tiểu đêm cũng làm suy giảm chất lượng giấc ngủ, đặc biệt là ở người cao niên.
Giấc ngủ ngon và sức khỏe tốt luôn đi đôi với nhau, đặc biệt là khi chúng ta già đi. Giấc ngủ giúp nạp năng lượng cho cơ thể và nó cũng quan trọng như các chất dinh dưỡng hay nước uống. Khả năng nhận thức của chúng ta, sức khỏe thể chất, sức khỏe hệ miễn dịch, tâm trạng,… đều bị ảnh hưởng trực tiếp bởi giấc ngủ.
Chính vì thế, nếu bạn ngủ không ngon, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi vào ban ngày, giảm năng suất làm việc, tâm trạng sa sút, thường xuyên cáu kỉnh. Về lâu dài thiếu ngủ còn ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe tâm thần, gây ra trầm cảm. Với những người phải làm việc liên quan tới máy móc, mất ngủ còn có thể làm tăng tỉ lệ tai nạn lao động hoặc tai nạn giao thông.
Tăng nguy cơ té ngã và tử vong
Một hậu quả khác có thể xảy ra nếu người già bị tiểu đêm đó là té ngã. Ban đêm, khi ánh sáng không đủ và trong tình trạng ngái ngủ, người cao tuổi rất dễ bị vấp ngã và gãy xương.
Té ngã có thể là một điều nguy hiểm với người cao tuổi, bởi nó có thể làm gãy xương, như gãy xương cổ tay, cánh tay, mắt cá chân hông,… và dẫn tới tàn tật. Ngoài ra, ngã cũng có thể gây chấn thương đầu.
Ảnh hưởng tới người thân
Tiểu đêm không chỉ gây khó chịu cho người mắc mà còn làm gây đảo lộn cuộc sống của gia đình bệnh nhân. Đặc biệt là những gia đình chung sống nhiều thế hệ, diện tích nhà chật hẹp.
Tiểu đêm ở người già có chữa được không?
Tiểu đêm có thể chữa được. Vì thế, nếu nhận thấy mình đang gặp tình trạn gnày, bạn hãy đi khám bác sĩ tiết niệu. Có nhiều lựa chọn để điều trị chứng tiểu đêm, tùy thuộc vào nguyên nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định co bạn phương pháp điều trị phù hợp.
Điều trị chứng tiểu đêm ở người già
Lưu ý
Tiểu đêm là kết quả của sự ảnh hưởng lẫn nhau và phức tạp của nhiều nguyên nhân, bao gồm những thay đổi liên quan đến tuổi tác trong hệ tiết niệu, chức năng thận, kiểu ngủ, trạng thái bệnh hiện tại, thói quen và thuốc. Vì thế, để điều trị chứng tiểu đêm ở người già hiệu quả, đầu tiên đòi hỏi phải xác định đúng nguyên nhân sinh lý bệnh ở mỗi bệnh nhân.
Dưới đây là một số phương pháp khắc phục chứng tiểu đêm ở người già.
Thay đổi lối sống
Một số thay đổi nhỏ trong lối sống có thể giúp bạn hạn chế tình trạng tiểu đêm, gồm:
- Hạn chế uống rượu và caffein, đặc biệt là từ buổi chiều đến trước khi đi ngủ.
- Giảm lượng nước uống vào ban đêm, nhưng vẫn phải đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày (uống đủ nước là việc quan trọng với mỗi người và đặc biệt là với người cao tuổi).
- Nếu muốn uống trà hoặc bia trước khi đi ngủ, tốt nhất bạn nên uống chúng 2-3 tiếng trước giờ ngủ.
- Nếu đang phải uống thuốc lợi tiểu, bạn nên uống sớm hơn trong ngày, muộn nhất là vào cuối buổi chiều. (Bạn cần nói chuyện với bác sĩ trước khi thay đổi giờ uống thuốc).
- Đi vệ sinh trước khi ngủ.
Thuốc
Nếu các biện pháp phòng ngừa và thay đổi lối sống không giúp bạn giảm việc đi tiểu vào ban đêm, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn một số loại thuốc phù hợp, chẳng hạn như:
- Desmopression (DDAVP) trong trường hợp đái tháo nhạt khiến thận sản xuất ít nước tiểu.
- Tamsulosin (Flomax), Finasteride (Proscar), dutasteride (Avodart),… để điều trị phì đại tuyến tiền liệt.
- Thuốc kháng sinh nếu bạn bị nhiễm trùng đường tiết niệu.
- .v.v.
Bác sĩ cũng có thể điều chỉnh các loại thuốc điều trị tiểu đường để giảm lượng đường trong máu nếu chúng là nguyên nhân gây ra chứng tiểu đêm.
➤ Xem thêm: Các loại thuốc chữa tiểu đêm hiệu quả
Kích thích thần kinh
Kích thích thần kinh là một phương pháp điều trị lâu dài hiệu quả đối với các triệu chứng của OAB và tiểu đêm. Ở phương pháp này, các bác sĩ sẽ cấy một thiết bị nhỏ quanh gần xương cụt để giúp gửi các xung động được điều chỉnh đến bàng quan.
Phẫu thuật
Khi các phương pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị bạn làm phẫu thuật. Tỷ lệ thành công cho cuộc phẫu thuật phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản.
➤ Tìm hiểu chi tiết: Các trị tiểu đêm nhiều lần
Kết luận
Tiểu đêm ở người cao tuổi là một hiện tượng không hiếm gặp. Tuy nhiên, người cao tuổi không nên nghĩ đây là một bệnh bình thường khi về già mà âm thầm chịu đựng, việc đi khám sớm giúp tránh ảnh hưởng nghiêm trọng của chứng này tới cuộc sống cũng như sức khỏe tinh thần của người mắc.
Tác dụng có thể khác nhau tuỳ cơ địa của người dùng