Bạn đang có triệu chứng tiểu ra máu, bạn đang phải đặt ra những câu hỏi: Tiểu ra máu là bệnh gì? Có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hay không? Điều trị tiểu ra máu như thế nào? Mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây để có một cái nhìn tổng quan hơn về triệu chứng này.
Mục lục
Tiểu ra máu là gì?
Đi tiểu ra máu hay đi đái ra máu là hiện tượng xuất hiện máu trong nước tiểu làm cho nước tiểu bình thường từ màu trắng hoặc hơi vàng chuyển sang màu đỏ hồng hoặc đỏ sẫm. Nếu bạn nhìn thấy trong nước tiểu có xuất hiện của máu thì đó là trường hợp tiểu đại thể. Tuy nhiên trong một số trường hợp chỉ phát hiện có máu trong nước tiểu khi bác sỹ làm xét nghiệm nước tiểu bằng soi kính hiển vi hoặc tổng phân tích nước tiểu là tiểu vi thể.
Bạn cần phân biệt được tiểu ra máu và nước tiểu có màu đỏ. Với đái ra máu bạn có thể dễ dàng nhận biết được bằng mắt thường khi nước tiểu có màu đỏ sẫm trong đái máu đại thể. Tuy nhiên trong trường hợp đái máu đại thể ở mức độ ít thì sẽ có màu hồng nhạt còn ở mức độ nhiều thì sẽ có màu đậm hơn và kèm theo máu cục.
Trong một số trường hợp như: phụ nữ đang có kinh nguyệt hay bạn ăn thức ăn có chứa phẩm màu hoặc thức ăn tự nhiên (củ dền, củ cải đường, dâu đen, quả mâm xôi,…) cũng gây đỏ màu nước tiểu nhưng các tác nhân này được đánh giá là không có hại.
Việc đi tiểu ra máu cho thấy cơ thể của bạn đang có nguy cơ cao mắc phải các bệnh lý nguy hiểm. Các bệnh lý này thường gặp ở các cơ quan như thận, bàng quang, cơ quan sinh dục,… Để có hướng điều trị tốt nhất và hiệu quả nhất thì bạn cần xác định được chính xác nguyên nhân dẫn đến triệu chứng tiểu ra máu.
➤ Bạn là nam giới thì đây là thông tin dành cho bạn: Tiểu ra máu ở nam giới
Nguyên nhân dẫn đến tiểu ra máu
Do bệnh lý ở bàng quang
Các bệnh lý thường gặp ở bàng quang là viêm bàng quang do virus, u bàng quang, túi thừa và đặc biệt là sỏi bàng quang.
Sỏi bàng quang thường xảy ra khi đi tiểu không hết làm cho nước tiểu đọng lại trong bàng quang kết cụm lại với nhau tạo thành các viên sỏi. Giống như sỏi thận, các viên sỏi bàng quang có kích thước nhỏ cũng có thể tự động theo nước tiểu ra ngoài. Nhưng khi kích thước của sỏi lớn hơn sẽ khiến cho bệnh nhân gặp phải các triệu chứng như: tiểu khó, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu nhiều lần, tiểu ra máu hoặc nước tiểu sậm màu, ở nam giới có thể đau và khó chịu ở dương vật.
Do bệnh lý ở niệu đạo – tuyến tiền liệt
Ở nam giới các bệnh lý ung thư tuyến tiền liệt và phì đại tuyến tiền liệt thường gây đi tiểu ra máu.
Phì đại tiền liệt tuyến là quá trình tăng sinh của các tế bào biểu mô và tế bào trong vùng chuyển tiếp của tuyến tiền liệt. Sự phát triển của các mô này làm cho tuyến tiền liệt lớn lên, chèn ép niệu đạo, gây cản trở dòng nước tiểu dẫn đến các triệu chứng: đái khó, đái nhỏ giọt, ngập ngừng, gián đoạn, đái rỉ, đi tiểu nhiều và trong nhiều trường hợp xuất hiện tiểu ra máu.
Ung thư tuyến tiền liệt cũng là nguyên nhân dẫn đến tiểu ra máu ở nam giới hiện nay. Ung thư tuyền tiền liệt xảy ra khi có những tế bào bất thường phát triển trong tuyến tiền liệt. Những tế bào bất thường này có thể tiếp tục nhân lên một cách không kiểm soát được và trong một số trường hợp có thể lan ra ngoài tuyến tiền liệt sang những bộ phận kế cận hay xa hơn của cơ thể.
Ngoài triệu chứng tiểu ra máu thì người bệnh còn gặp 1 số triệu chứng khác: đái khó, tia đái nhỏ đái không tự chủ, bí đái cấp, đau xương, xuất tinh ra máu,…
Do các bệnh lý về thận
Đây là nguyên nhân phổ biến dẫn đến đái ra máu( tiểu ra máu) ở hầu hết các bệnh nhân. Một số bệnh lý liên quan đến thận:
Sỏi thận
Sỏi thận hay còn gọi là sạn thận xảy ra khi các chất khoáng có trong nước tiểu bị lắng đọng ở thận, bàng quang, niệu quản…tạo thành những tinh thể rắn, thường gặp là tinh thể Calci. Kích thước của sỏi có thể lên tới vài cm. Những viên sỏi có kích thước nhỏ có thể được tống ra ngoài khi đi tiểu bình thường.
Tuy nhiên, những viên sỏi lớn hơn khi di chuyển trong thận, niệu quản, bàng quang… gây cọ xát dẫn tới tổn thương, thậm chí còn làm tắc đường dẫn nước tiểu để lại những hậu quả rất nghiêm trọng.
Tiểu ra máu được coi là một triệu chứng điển hình của sỏi thận bởi vì các viên sỏi cọ xát trong quá trình di chuyển dẫn đến sự tổn thương. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp phải các triệu chứng khác: đau lưng, đau vùng mạn sườn dưới, cảm giác buồn nôn, nôn, hay sốt hoặc cảm giác ớn lạnh.
Ung thư thận
Các khối u thường xuất phát từ vùng vỏ thận, sau đó có thể xâm lấn vào đài bể thận, phá vỡ vỏ thận ra các tổ chức xung quanh. Mặt cắt khối u thường có màu vàng đậm hay nhạt, xen kẽ nó có những chỗ hoại tử, chảy máu hoặc vôi hóa, có vỏ bao bọc và có nhiều mạch máu tăng sinh. Ung thư thận mới đầu ở nhu mô, khối ung thư to dần, phá vỡ bao thận và lan ra ngoài tới lớp mỡ quanh thận, xâm lấn các tạng ở gần như đại tràng và gan.
Đái máu là triệu chứng thường gặp (80% trường hợp). Đái máu thường là đái máu đại thể, toàn bãi, không có máu cục, đái máu vô chứng, vô cớ. Một số trường hợp có thể đái máu vi thể hoặc đái máu nhiều, có máu cục, cũng có thể có cơn đau quặn thận.
Một số triệu chứng khác có thể gặp là đau vùng thắt lưng, khám lâm sàng có thể sờ thấy khối u vùng thắt lưng, sốt kéo dài dai dẳng do hoại tử trong thận, toàn thân giảm sút nhanh chóng, chán ăn, suy nhược, thiếu máu, sốt nhẹ,…
Thận đa nang
Bệnh thận đa nang là một loại hình tổn thương của thận đặc trưng bởi sự xuất hiện của rất nhiều nang chứa đầy dịch trong nhu mô thận và đây là những nang dịch có tính chất lành tính. Các nang khác nhau về kích thước và có thể phát triển rất lớn. Nguy cơ lớn nhất cho những người bị bệnh thận đa nang là phát triển tăng huyết áp. Suy thận là một vấn đề phổ biến cho những người có bệnh thận đa nang.
Khi mắc bệnh lý thận đa nang, bạn sẽ cảm thấy đau thắt lưng, tiểu ra máu, tiểu ra mủ, nồng độ ure máu tăng và phát hiện khối u vùng hố thận khi khám lâm sàng.
Viêm cầu thận cấp
Viêm cầu thận cấp hay viêm cầu thận sau nhiễm khuẩn liên cầu được coi là một hội chứng (hội chứng cầu thận cấp) do có tổn thương mô bệnh học của bệnh viêm cầu thận cấp rất đa dạng. Bệnh lý này phát sinh không chỉ do liên cầu mà có thể cả sau nhiễm tụ cầu, phế cầu, vi-rút hoặc các bệnh tự miễn.
Hội chứng viêm cầu thận cấp là biểu hiện lâm sàng của tổn thương viêm cấp tính của cầu thận, đặc trưng với sự xuất hiện đột ngột hồng cầu niệu, protein niệu, phù và tăng huyết áp.
Viêm cầu thận thể tiến triển nhanh hay còn gọi viêm cầu thận bán cấp thường gây suy thận tiến triển dẫn dến suy thận mạn. Ở thể này bệnh nhân có thể tử vong sớm do suy thận và hầu hết không qua khỏi 6 tháng nếu không được điều trị.
Các triệu chứng điển hình của viêm cầu thận cấp: phù ở mắt, mí mắt và chân do giữ nước, huyết áp tăng, hay lẫn lộn, buồn ngủ, lượng nước tiểu ít và nước tiểu sẫm màu.
Viêm thận – bể thận cấp
Viêm thận bể thận cấp (VTBT cấp) là tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính đài thận, bể thận, niệu quản và nhu mô thận hoặc gọi là nhiễm khuẩn đường tiết niệu trên. Nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn gây ra theo đường ngược dòng từ bàng quang lên niệu quản rồi đến đài bể thận, hoặc do đường máu đưa đến khi bị nhiễm trùng huyết.
Viêm đài bể thận giai đoạn sớm có thể gặp các triệu chứng: Sốt cao đột ngột, rét run, thể trạng suy sụp nhanh chóng, môi khô nứt nẻ, lưỡi bẩn…, đau hố sườn lưng một bên hoặc 2 bên, có khi đau âm ỉ liên tục vùng thắt lưng, rối loạn tiểu tiện( đái buốt, đái rắt, đái ra máu, đái đục, đái mủ)
Do chấn thương thận
Tổn thương thận từ một cú đánh hoặc từ một tai nạn giao thông hoặc tai nạn trong khi chơi thể thao một số môn thể thao như: bơi lội, chạy, đá bóng, đấm bốc,… cũng là nguyên nhân khiến cho thận bị xuất huyết gây hiện tượng đi tiểu ra máu. Tuy nhiên, tình trạng này không kéo dài quá lâu và sẽ dần hồi phục sau 12 – 24 giờ.
Tiểu ra máu do thuốc
- Việc sử dụng 1 số kháng sinh như: Penicillin và dẫn chất, cephalosporin và dẫn chất, sunfamid và dẫn chất, polymycin, rifampin; các thuốc lợi tiểu( furosemide, thiazide, ethacrynic acid); danazol gây tác dụng phụ là viêm thận kẽ dẫn đến thỉnh thoảng có sự xuất hiện của máu trong nước tiểu. Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ gặp trong vòng vài ngày hoặc vài tuần sau khi dùng thuốc, khi dừng thuốc thì hết tiểu máu.
- Với các thuốc giảm đau và kháng viêm: Aspirin, penacetin, aminosalicylic acid,…thỉnh thoảng cũng có hiện tượng gây tiểu máu do hoại tử tủy thận hay nhú thận. Hiện tượng này xuất hiện sau nhiều tháng hoặc nhiều năm dùng kết hợp các thuốc giảm đau, hồi phục không hoàn toàn.
- Một số thuốc khác như: Cyclophosphamide, Ifosfamide gây viêm bàng quang xuất huyết trong 10 – 20% bệnh nhân( mức độ xuất huyết phụ thuộc liều dùng) cũng gây đái máu. Khả năng hồi phục tốt.
Tiểu ra máu là một triệu chứng do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có nhiều tác nhân nguy hiểm về lâu dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người bệnh. Vì vậy để điều trị triệt để triệu chứng này, bạn cần đến gặp các bác sỹ sớm nhất để được chẩn đoán và có hướng điều trị tốt nhất.
Tiểu ra máu có nguy hiểm không?
Như phần trên đã chia sẻ, có thể thấy rằng hiện tượng tiểu ra máu bắt nguồn từ nhiều trạng thái bệnh lý khác nhau, trong đó có những bệnh rất nguy hiểm. Khi thấy hiện tượng tiểu ra máu bạn sẽ cảm thấy khó chịu, mệt mỏi. Nếu không điều trị sớm, bệnh có thể gây ra những ảnh hưởng như:
- Ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là mỗi lần đi tiểu xong bạn sẽ cảm thấy đau buốt, đau nhói dữ dội dẫn đến việc ngại đi tiểu
- Tiểu ra máu nếu nguyên nhân do ung thư bàng quang, ung thư tiền liệt tuyến… có thể khiến cho bạn bị suy thận, viêm bể thận nếu không được điều trị đúng cách
- Ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt vợ chồng vì đau nên bạn ngại gần gũi dễ khiến cho cuộc hôn nhân của bạn rạn nứt
- Nếu mất máu nhiều khiến cho bạn phải đối mặt với hiện tượng chóng mặt, mệt mỏi, xanh xao, hoa mắt, thậm chí là ngất xỉu
- Tiểu ra máu ở phụ nữ còn ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, có thể gây vô sinh – hiếm muộn vì các bệnh lý có thể làm viêm ống dẫn trứng, viêm buồng trứng, viêm cổ tử cung,…
Bạn có thể thấy rằng tiểu ra máu do các nguyên nhân khác nhau thì sẽ có những mức độ nguy hiểm khác nhau. Vì vậy, khi xuất hiện triệu chứng tiểu ra máu bạn cần đến gặp bác sỹ để bác sỹ có thể giúp bạn tìm ra được chính xác nguyên nhân gây bệnh là gì và từ đó có hướng điều trị tốt nhất.
Vậy tiểu ra máu khi nào cần đến gặp bác sỹ gấp?
Khi gặp hiện tượng tiểu ra máu, đặc biệt là có kèm theo các triệu chứng như: Đau dữ dội ở vùng lưng dưới, bụng dưới, xương chậu, táo bón, buồn nôn,… thì bạn cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để khám. Việc thăm khám sớm sẽ giúp các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán được chính xác và đưa ra phương hướng điều trị đạt hiệu quả tốt hơn.
Ở một góc độ khác tiểu ra máu còn có một dạng là tiểu máu vi thể, bạn hoàn toàn không thể nhận biết bằng mắt thường qua màu sắc của nước tiểu. Do đó, khi có những triệu chứng như: Tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu đêm nhiều lần, đái không thành tia…thì bạn cũng nên đi khám sớm.
Tiểu ra máu là bệnh lý nguy hiểm và có thể gây ra nhiều biến chứng, thậm chí là ảnh hưởng lớn đến tính mạng người bệnh. Vì vậy, bạn nên đề cao cảnh giác, đến gặp bác sỹ để được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.
Điều trị tiểu ra máu
Để điều trị hiệu quả đái ra máu hiệu quả thì cần dựa vào nguyên nhân gây ra nó
Nếu là do thuốc thì người thầy thuốc có thể cân nhắc thay đổi loại thuốc khác cho bệnh nhân hoặc ngừng thuốc.
- Do luyện tập thể dục thể thao thì bạn chỉ cần thay đổi chế độ luyện tập.
- Do sỏi thận thì sử dụng một số phương pháp để loại bỏ sỏi như uống nhiều chất lỏng để tống sỏi ra ngoài hoặc sử dụng thuốc làm tiêu sỏi với những viên sỏi nhỏ, còn với sỏi lớn thì có thể phẫu thuật hoặc tán nhỏ sỏi
- Do ung thư : dựa vào loại ung thư, mức độ ung thư và cơ địa bệnh nhân để sử dụng thuốc và có liệu pháp hóa trị liệu thích hợp.
- Do bệnh lý ở thận: bác sỹ chỉ định các kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn gây ra viêm cầu thận và kết hợp thêm 1 số các thực phẩm chức năng khác để ngăn ngừa những biến chứng thêm ở thận.
- Do phì đại tuyến tiền liệt: nếu phì đại tuyến tiền liệt ở mức độ nhẹ thì sẽ không gây vấn đề nghiêm trọng. Mục tiêu điều trị phì đại tuyến tiền liệt là loại bỏ triệt để các triệu chứng và phục hồi chức năng ở đường tiết niệu. Để điều trị phì đại tuyến tiền liệt trước hết bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng thuốc để giảm phì đại sau đó mới cân nhắc đến các biện pháp khác: sử dụng nhiệt, tia laser hoặc song siêu âm để tiêu diệt các tế bào tuyến tiền liệt.
Biện pháp phòng ngừa tiểu ra máu
Việc điều trị tất cả các nguyên nhân gây ra đái máu là rất khó nhưng nếu bạn có các biện pháp dự phòng kết hợp thì sẽ làm giảm thiểu được một số nguyên nhân cơ bản:
- Điều quan trọng nhất bạn nhớ uống đủ nước mỗi ngày và ăn các thực phẩm lành mạnh như rau củ, trái cây để ngăn ngừa nhiễm trùng đường niệu, sỏi thận và giảm nguy cơ ung thư bàng quang.
- Đi tiểu khi có nhu cầu, không nên nhịn tiểu quá lâu.
- Ngưng sử dụng rượu bia, thuốc lá và các sản phẩm có chứa nicotin để tránh nguy cơ ung thư bàng quang, ung thư thận.
Lời kết
Trên thực tế tỷ lệ người có triệu chứng đái ra máu rất ít, chỉ chiếm khoảng 2 – 3% dân số và thường gặp ở những bệnh nhân trên 60 tuổi. Đa phần các nguyên nhân gây tiểu ra máu thường lành tính, tuy nhiên điều đó cũng đang cảnh báo bạn đang mắc một số bệnh lý nghiêm trọng trong cơ thể. Vì vậy, nếu bạn đang mắc triệu chứng tiểu ra máu thì hãy đến các cơ sở y tế chuyên khoa để các bác sỹ thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm để tìm ra được chính xác căn nguyên và có hướng điều trị phù hợp.
Tài liệu tham khảo
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/blood-in-urine/symptoms-causes/syc-20353432?fbclid=IwAR2_RTe-8dMVuMLm667S6XIkvFhW8SvtCWvIkxpWVzH3kMRKgYFT_pS7Ayg
https://www.healthline.com/health/urine-bloody?fbclid=IwAR3g45wFjPw2bF7Z5CFps4gYyv426WIS4v4lgyKetOV58TftwjZ75DmG7dU#seeing-a-doctor
Tác dụng có thể khác nhau tuỳ cơ địa của người dùng