Cảm giác vừa tiểu xong lại mắc tiểu khiến bệnh nhân cảm thấy vô cùng khó chịu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Người bệnh lúc nào cũng ở trong trạng thái lo sợ, bất an và thiếu tự tin trong công việc. Tình trạng mắc tiểu liên tục dù tiểu rất ít là dấu hiệu bất thường của cơ thể, đây có thể là triệu chứng của bệnh lý nguy hiểm mà bạn không hề hay biết. Vậy vừa “tiểu xong lại mắc tiểu” là biểu hiện của bệnh gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp mọi băn khoăn về tình trạng này.
Mục lục
Vì sao vừa tiểu xong lại mót tiểu tiếp
Theo ThS.BS Đỗ Xuân Mạnh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, tình trạng vừa tiểu xong lại mắc tiểu là một rối loạn tiểu tiện thường gặp do nhiều nguyên nhân như bệnh nội tiết, tiết niệu…
1.Nguyên nhân do bệnh lý
Bệnh nội tiết
Đái tháo đường: Đái tháo đường là bệnh thường gặp không chỉ ở người già mà cả ở người trẻ. Ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều và gầy nhiều là triệu chứng thường gặp của bệnh. Trong đái tháo đường tuyp 1 và 2, cơ thể cố gắng đào thải lượng đường trong máu ra khỏi nước tiểu, chính vì vậy mà bệnh còn gọi là bệnh tiểu đường.
Cơ chế bệnh sinh là do lượng insulin do tuyến tụy tiết ra không đủ để đưa hết glucose vào trong tế bào, dẫn đến glucose bị đào thải qua nước tiểu. Bệnh nhân đái tháo đường có thể đi tiểu 5-7 lít nước tiểu trong 1 ngày. Từ đó dẫn đến đi tiểu nhiều lần trong ngày mà không kiểm soát được.
Đái tháo nhạt: Đái tháo nhạt nguyên nhân thường do giảm tiết hormon ADH từ tuyến yên hoặc đái tháo nhạt do chức năng thận không đáp ứng với hormon ADH. Trong bệnh đái tháo nhạt, lượng nước tiểu có thể lên tới 2500ml.
Bệnh tiết niệu
Nhiễm khuẩn tiết niệu: hay còn gọi là nhiễm trùng đường tiết niệu nguyên nhân do vi khuẩn xâm nhập vào hệ thống tiết niệu. Viêm nhiễm trên đường tiết niệu gây kích thích bàng quang và niệu đạo làm bệnh nhân lúc nào cũng có cảm giác muốn đi tiểu.
Ngoài ra, cảm giác vừa tiểu xong lại mắc tiểu, nhiễm khuẩn tiết niệu còn có một số triệu chứng lâm sàng như:
- Sốt cao, đái buốt, đái rắt, đái máu, nước tiểu có màu hoặc mùi lạ…
- Đau vùng thắt lưng.
Viêm bàng quang kẽ: Là tình trạng bàng quang bị viêm nhiễm thường là không rõ nguyên nhân tại sao. Bệnh nhân thường có triệu chứng đái buốt, đái rắt, có thể có đái ra máu hoặc đái mủ ở cuối bãi.
Bệnh tuyến tiền liệt: tuyến tiền liệt tăng sinh (Phì đại tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tiền liệt) có thể gây chèn ép vào niệu đạo, kích thích bàng quang gây hiện tượng đi tiểu nhiều lần dù trong bàng quang có ít nước tiểu.
Ung thư bàng quang: Ung thư bàng quang là một bệnh thường gặp chỉ đứng sau bệnh ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới. Nguyên nhân thường gặp do thói quen hút thuốc lá, làm việc trong môi trường bụi bặm, khói bụi ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất…
Biểu hiện của ung thư bàng quang rất dễ nhầm tưởng với các bệnh đường tiết niệu thường gặp như: tiểu buốt, tiểu rắt…Ít người phát hiện được sớm căn bệnh này mà hầu hết đều điều trị khi ở giai đoạn cuối.
Sỏi thận: Là bệnh lý hay gặp của đường tiết niệu. Nguyên nhân do các chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại tạo thành những hạt tinh thể rắn lâu ngày tích tụ lại gây ra sỏi.
Biến chứng thường gặp của sỏi thận như: giãn thận, viêm cầu thận, nhiễm trùng đường tiết niệu, suy thận, …
Một số triệu chứng thường gặp của sỏi thận như: tiểu buốt, tiểu rắt, đau vùng mạn sườn, đi tiểu nhiều lần dù không phải do uống quá nhiều nước, …
Hội chứng bàng quang tăng hoạt (OAB): bàng quang tăng hoạt là hiện tượng bàng quang co bóp ngay cả trong giai đoạn lưu trữ mà lẽ ra bàng quang không co bóp cho đến khi kết thúc giai đoạn này.
Bình thường bàng quang chỉ co bóp nhằm tống nước tiểu bằng sự tự chủ của chủ thể khi cảm thấy việc tiến hành thuận lợi. Hội chứng bàng quang tăng hoạt khiến cho bệnh nhân khó chịu, tức ngay cả khi bàng quang chưa căng đầy, khó khăn thậm chí trong thể kiềm giữ nước tiểu gây ra tiểu són, tiểu nhiều lần, vừa tiểu xong lại mắc tiểu.
2.Các nguyên nhân khác
Tổn thương thần kinh: Tai biến mạch máu não, hay các chấn thương não, tủy sống.. dẫn đến các tổn thương hệ thần kinh điều khiển hoạt động tiểu tiện gây ra tiểu nhiều lần, bệnh nhân vừa tiểu xong lại mắc tiểu.
Dùng thuốc lợi tiểu: Một số thuốc lợi tiểu như thiazid, furosemid… được điều trị trong bệnh tăng huyết áp có thể dẫn đến việc đi tiểu nhiều lần. Tình trạng này chỉ hết khi ngừng thuốc điều trị.
Sau xạ trị khi điều trị ung thư: đây là một trong những biện pháp điều trị ung thư thường gặp và gây nhiều tác dụng phụ. Hay gặp trong điều trị tuyến tiền liệt, bàng quang hay ung thư cơ quan vùng hố chậu…
Uống quá nhiều nước: Trung bình mỗi ngày mỗi người nên uống khoảng 2 lít nước. Nếu một hôm nào đó bạn uống quá nhiều nước, bạn sẽ đi tiểu nhiều lần.
Dùng chất ngọt nhân tạo, rượu, caffeine, thực phẩm: Việc dùng một số thực phẩm có thể gây lợi tiểu như Rượu, chè đặc, cafe, đồ uống có ga, chất ngọt nhân tạo,…
Nhận biết mức độ nguy hiểm của bệnh qua nước tiểu
1.Số lần đi tiểu trong ngày
Theo Hội Niệu học quốc tế, trung bình một người trưởng thành đi tiểu khoảng 6 – 8 lần/ 24h, vì vậy nếu một người đi tiểu hơn 8 lần trong ngày được coi là đi tiểu nhiều lần.
Trong một số trường hợp như: Uống nhiều bia rượu, chất kích thích như cafein, nước chè đặc, hoặc dùng các thuốc lợi tiểu, thì tần suất đi tiểu của bạn cũng có thể tăng lên nhiều lần so với bình thường, khi đó chỉ cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống, dừng thuốc là tình trạng vừa tiểu xong lại mắc tiểu sẽ chấm dứt.
2.Lượng nước tiểu
Đái nhiều: hay còn gọi là đa niệu khi thể tích nước tiểu trên 3 lít/24h. trên lâm sàng khó phân biệt được một trường hợp tăng số lần đi tiểu (lượng nước tiểu thấp) và một trường hợp đa niệu thật sự ( thể tích nước tiểu trên 3 lít/24h) do đó việc đo thể tích nước tiểu trong 24h là thật sự cần thiết. Đa niệu có thể là hiện tượng sinh lý bình thường nhưng cũng có thể là bệnh lý.
Đái ít: hay còn gọi là thiểu niệu là khi thể tích nước tiểu nhỏ hơn 400ml/24h. Thiểu niệu có thể đi kèm với tổn thương thận cấp do bất kỳ nguyên nhân nào và có tiên lượng xấu cho việc hồi phục chức năng thận trong mọi trường hợp, trừ trường hợp trước thận.
Vô niệu: là khi lượng nước tiểu nhỏ hơn 100ml/24h. Gọi là vô niệu và nhỏ hơn 400ml/24h được gọi là thiểu niệu. Tình trạng này nếu không phát hiện kịp thời sẽ gây tăng ure huyết hay các biến chứng của tắc nghẽn đường tiểu có thể xảy ra nhanh dẫn đến hoại tử ống thận cấp hoặc viêm cầu thận cấp.. nguy hiểm đến tính mạng.
3.Màu của nước tiểu
Nước tiểu có màu đỏ sẫm: nước tiểu có màu đỏ sẫm và nhận biết được bằng mắt thường rất có thể đây là hiện tượng đái máu, thường gặp trong các bệnh như do sỏi đường tiết niệu, chấn thương niệu đạo, vùng thắt lưng, hạ vị hoặc do nhiễm trùng đường tiết niệu…
Tuy nhiên cần chẩn đoán phân biệt với nước tiểu có màu đỏ nhưng không do đái máu mà do thức ăn, do thuốc ( rifampicin, metronidazol..).. chảy máu niệu đạo..
Nước tiểu có màu đục có mủ: thường gặp ở các bệnh nhân có viêm, nhiễm trùng đường tiết niệu: viêm bàng quang cấp, viêm thận – bể thận cấp…
Nước tiểu có hạt mỡ, trụ mỡ: Nguyên nhân thường gặp trong bệnh hội chứng thận hư ngoài hiện tượng đái ra mỡ còn đặc trưng bởi các triệu chứng phù, protein niệu cao, protein máu giảm, rối loạn lipid máu.
Nước tiểu có màu vàng đậm: Thông thường điều này chỉ xuất phát từ một nguyên nhân là cơ thể đang thiếu nước. Cần uống nhiều nước hơn, tốt nhất là khoảng 8 ly mỗi ngày.
Nước tiểu có màu xanh dương hoặc xanh lá cây: Điều này báo hiệu bạn đang bị ảnh hưởng từ việc uống thuốc hoặc do ăn quá nhiều thực phẩm có màu xanh, đặc biệt là măng tây hoặc những thức ăn có chứa phẩm màu hóa học màu xanh dương, xanh lá cây.
Chẩn đoán xác định tình trạng bệnh qua thăm khám
Khi bạn có dấu hiệu vừa tiểu xong lại mắc tiểu, đôi khi đó là tình trạng sinh lý bình thường nhưng cũng có thể là biểu hiện của bất thường của bệnh lý nào đó của đường tiết niệu. Ban đầu, các bác sĩ sẽ tiến hành hỏi bệnh, thăm khám lâm sàng, sau đó sẽ làm các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán
Các xét nghiệm có thể bao gồm:
- Xét nghiệm nước tiểu để tìm hồng cầu, vi khuẩn, các trụ hạt, trụ mỡ bất thường…
- Siêu ổ bụng, thận, bàng quang để phát hiện các bất thường của hệ tiết niệu.
- Công thức máu, sinh hóa máu để kiểm tra đường huyết trong các bệnh nội tiết…
- X-quang để phát hiện sỏi.
Hãy đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được chỉ định các xét nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng nhằm phát hiện bệnh kịp thời và có hướng điều trị cụ thể bạn nhé. Không nên chủ quan với bất kỳ dấu hiệu khác thường nào của cơ thể.
Cách khắc phục tình trạng vừa tiểu xong lại mắc tiểu
Để cải thiện triệu chứng vừa tiểu xong lại mắc tiểu, bệnh nhân cần thực hiện các biện pháp sau đây:
- Nên hạn chế uống nước nhiều vào buổi tối đặc biệt là trước khi đi ngủ để giảm việc đi tiểu về đêm.
- Tránh xa các loại đồ uống có cồn, rượu, bia, cà phê, chè đặc, chất kích thích vì chúng có tác dụng lợi tiểu, kích thích đi tiểu nhiều lần.
- Hạn chế ăn hoặc uống các loại thực phẩm có tính axit vì chúng có thể gây kích ứng bàng quang làm cho bạn phải đi tiểu nhiều như nước chanh, nước cam, bưởi…
- Tập thể dục thể thao hàng ngày, tham khảo những bài tập đơn giản giúp tăng trương lực cơ bàng quang, hạn chế tiểu nhiều lần, tiểu són.
- Hạn chế rơi vào trạng thái căng thẳng, stress quá mức, làm việc và nghỉ ngơi điều độ
- Nếu bạn đang điều trị bệnh tăng huyết áp bằng các thuốc lợi tiểu như: furosemid, thiazid… mà chúng làm bạn đi tiểu nhiều,gây ảnh hưởng quá lớn đến chất lượng cuộc sống của bạn, hãy đi tái khám để bác sĩ điều chỉnh thuốc cho phù hợp.
Trên đây là những thông tin cần thiết giải đáp thắc mắc của người bệnh về vấn đề “vừa tiểu xong lại mắc tiểu”. Hy vọng những thông tin hữu ích trên sẽ giúp bạn đỡ lo lắng hơn khi mắc phải tình trạng này. Lưu ý rằng, đây có thể là biểu hiện của bệnh lý nào đó vì vậy nếu cảm thấy tình trạng này gây khó chịu và kéo dài dai dẳng, hãy đến các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Link tham khảo:
http://bachmai.gov.vn/tin-tuc-va-su-kien/bai-viet-chuyen-mon-menuleft-33/2236-bien-chung-cua-benh-dai-thao-duong-2236.html
http://benhviendktinhquangninh.vn/phac-do-dieu-tri-nhi/nhiem-trung-duong-tieu-ntdt.592.html
https://benhvienk.vn/ung-thu-bang-quang-chan-doan-va-dieu-tri-nd58552.html
http://benhvienlaokhoa.vn/hoi-chung-bang-quang-tang-hoat
Tác dụng có thể khác nhau tuỳ cơ địa của người dùng