Tiểu khó (khó tiểu) là hiện tượng rối loạn tiểu tiện. Tình trạng này diễn ra phổ biến ở cả nam giới và nữ giới. Tuy khó tiểu không nguy hiểm đến tính mạng nhưng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống của bạn. Hơn nữa, khó tiểu có thể là dấu hiệu của một vài bệnh nào đó. Vậy khó tiểu là triệu chứng của bệnh lý nào? Những bệnh lý đó có nguy hiểm không? Nếu bạn cũng đang quan tâm đến vấn đề này thì cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé.
Mục lục
Hiểu đúng về chứng khó tiểu
Tiểu khó là triệu chứng đau, khó chịu, nóng rát khi đi tiểu. Người bệnh gặp tình trạng này sẽ mất thời gian nhiều hơn cho việc đi tiểu, phải rặn mạnh, rặn lâu mới ra nước tiểu.
Nam giới và nữ giới ở mọi lứa tuổi đều có nguy cơ bị tiểu khó. Tuổi tác càng cao thì nguy cơ gặp phải tình trạng rối loạn tiểu tiện này cũng càng cao, bệnh thường gặp nhất ở nam giới độ tuổi trung niên.
➤ Chi tiết hơn: Khó tiểu (bí tiểu) nguyên nhân và giải pháp
Khó đi tiểu là dấu hiệu của bệnh gì?
Khó tiểu không chỉ là hiện tượng rối loạn tiểu tiện thông thường mà đôi khi nó còn là dấu hiệu của một căn bệnh nguy hiểm nào đó. Dưới đây là một số bệnh thường gặp xuất hiện cùng triệu chứng khó tiểu.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra khi xuất hiện vi khuẩn ở bất kì bộ phận nào trong đường tiết niệu. Đường tiết niệu bao gồm các cơ quan sản xuất, lưu trữ và đào thải nước tiểu như: thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Trong đó, bàng quang và niệu đạo thường bị nhiễm trùng nhất.
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển nhiễm trùng đường tiết niệu bao gồm:
- Bệnh tiểu đường
- Tuổi cao
- Phì đại tuyến tiền liệt
- Sỏi thận
- Thời gian đặt ống thông tiểu dài
Một người bị nhiễm trùng tiểu có thể gặp các triệu chứng khác ngoài khó tiểu, chẳng hạn như:
- Sốt
- Nước tiểu có mùi hôi hoặc nặng hơn
- Nước tiểu đục hoặc có máu
- Tăng tần suất đi tiểu hoặc muốn đi tiểu
- Đau mạn sườn
Bệnh tuyến tiền liệt
Điển hình nhất phì đại (u xơ) tiền liệt tuyến, khối phì đại lớn chèn ép vào đường dẫn nước tiểu từ bàng quang ra niệu đạo gây nên chứng tiểu khó.
Viêm tiền liệt tuyến: Khi vi khuẩn xuất hiện trong tuyến tiền liệt sẽ dẫn đến nhiễm trùng tuyến tiền liệt hay viêm tuyến tiền liệt. Viêm tuyến tiền liệt được chia làm hai dạng là cấp tính và mãn tính.
- Viêm tuyến tiền liệt cấp tính thường xảy ra đột ngột do nhiễm vi khuẩn. Diễn biến của bệnh thường phát triển rất nhanh.
- Viêm tuyến tiền liệt mãn tính: do các sinh vật nhỏ bé có thể không phải vi khuẩn. Các hóa chất độc hại được tìm thấy trong nước tiểu người bệnh cũng là nguyên nhân gây viêm tuyến tiền liệt
Bên cạnh việc người bệnh gặp khó khăn khi đi tiểu, các bệnh về tuyến tiền liệt có thể gây một số triệu chứng:
- Đau ở bàng quang, tinh hoàn và dương vật
- Khó xuất tinh và xuất tinh đau
- Cần đi tiểu thường xuyên, đặc biệt là vào ban đêm
Ngoài ra, hầu hết các bệnh của tiền liệt tuyến dù ít nhiều cũng ảnh hưởng đến quá trình bài xuất nước tiểu với các biểu hiện như: Tiểu buốt, tiểu dắt, tiểu khó, đau khi đi tiểu…
Các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục
Một số bệnh lây nhiễm qua đường tình dục có triệu chứng là tiểu khó như:
- Mụn rộp sinh dục
- Chlamydia( là một trong những bệnh phổ biến nhất lây nhiễm qua đường tình dục mà cả nam giới hay nữ giới đều có thể mắc do vi khuẩn Chlamydia gây ra)
Bên cạnh chứng tiểu khó, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục cũng có thể gây ra các triệu chứng như:
- Ngứa
- Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
- Mụn rộp hoặc vết loét do mụn rộp sinh dục
- Tiết dịch bất thường
Sỏi thận
Sỏi thận hay còn gọi là sạn thận hình thành khi canxi hoặc axit uric tích tụ và tạo thành sỏi cứng xung quanh thận, bàng quang, niệu quản. Sỏi thận là căn bệnh phổ biến ở Việt Nam, xuất hiện nhiều nhất ở những người cao tuổi. Khi sỏi thận nằm gần khu vực nước tiểu đi qua sẽ gây tiểu khó.
Ngoài chứng khó tiểu, sỏi thận có thể đi kèm với các triệu chứng sau:
- Nước tiểu có màu đậm
- Nước tiểu đục
- Buồn nôn, nôn mửa
- Sốt
- Ớn lạnh
- Chỉ đi tiểu một lượng nhỏ nhưng thường xuyên
U nang buồng trứng ở nữ giới
U nang buồng trứng là hiện tượng một khối u có chứa dịch lỏng phát triển bất thường ở buồng trứng. U nang buồng trứng có thể phát triển trên một hoặc cả hai buồng trứng, nằm ở hai bên bàng quang gây ra hiện tượng đi tiểu đau.
Những người bị u nang buồng trứng có thể gặp phải những triệu chứng:
- Chảy máu âm đạo bất thường
- Đau vùng xương chậu
- Khó nhận biết bàng quang trống rỗng sau khi đi tiểu
- Căng ngực
- Đau âm ỉ ở phần lưng và bụng dưới
Viêm bàng quang kẽ
Viêm bàng quang kẽ còn được gọi là hội chứng đau bàng quang, là một tình trạng gây kích thích bàng quang mãn tính kéo dài từ 6 tuần trở lên mà không có nhiễm trùng cơ bản.
Viêm bàng quang kẽ thường ảnh hưởng đến phụ nữ và có thể có tác động lâu dài đến chất lượng cuộc sống.
Viêm bàng quang kẽ cũng có thể gây ra các triệu chứng dưới đây:
- Đau niệu đạo
- Đau vùng bụng dưới
- Đau ở âm hộ hoặc âm đạo
- Đau khi quan hệ tình dục
- Đi tiểu thường xuyên nhưng lượng nước tiểu ít
Nhiễm trùng hoặc kích ứng âm đạo ở nữ giới
Đôi khi đi tiểu đau có thể liên quan đến nhiễm khuẩn âm đạo hay viêm âm đạo, là tình trạng số lượng vi khuẩn hay nấm men trong âm đạo phát triển quá mức. Đây là một căn bệnh khá phổ biến ở phụ nữ, nhất là ở độ tuổi từ 15-44.
Các triệu chứng sau có thể xảy ra cùng với tiểu khó:
- Tiết dịch âm đạo có mùi hôi hoặc bất thường
- Kích ứng âm đạo
- Đau khi quan hệ tình dục
- Chảy máu âm đạo, thường nhẹ
Ung thư bàng quang
Ung thư bàng quang xảy ra khi các tế bào ung thư bắt đầu phát triển trong bàng quang. Triệu chứng ban đầu của ung thư bàng quang là đi tiểu ra máu, sau đó xuất hiện tình trạng tiểu khó và một số dấu hiệu khác.
Các triệu chứng khác có thể có của ung thư bàng quang bao gồm:
- Đi tiểu thường xuyên
- Khó đi tiểu hoặc đi tiểu ra dòng nước tiểu yếu
- Chán ăn
- Sụt cân
- Mệt mỏi
- Phù chân
- Đau nhức xương khớp
Ngoài ra tiểu khó có thể là triệu chứng của tình trạng viêm bao quy đầu ở nam giới, dài hoặc hẹp bao quy đầu, u xơ tử cung nữ giới, do mang thai….Để xác định chắc chắn khó tiểu là dấu hiệu bệnh gì, bạn cần tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám
Chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến tiểu khó
Thông thường, bác sĩ có thể chẩn đoán nguyên nhân khiến bạn đi tiểu khó bằng cách hỏi các câu hỏi về các tình trạng bệnh lý mà bạn có thể mắc phải, chẳng hạn như tiền sử bệnh tật: bạn có mắc bệnh đái tháo đường hoặc các rối loạn suy giảm miễn dịch không?
Bên cạnh đó, xét nghiệm và phân tích mẫu nước tiểu là căn cứ quan trọng để xác định chính xác vấn đề sức khỏe của bạn. Mẫu nước tiểu được phân tích để tìm tế bào bạch cầu, hồng cầu hoặc các hóa chất lạ từ đó xác định bạn có bị viêm đường tiết niệu hay không.
Nếu không tìm thấy dấu hiệu nhiễm trùng trong mẫu nước tiểu của bạn, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm bổ sung để kiểm tra bàng quang và tuyến tiền liệt. Đối với bệnh nhân nữ, bác sĩ thực hiện chẩn đoán các vấn đề về niêm mạc, âm đạo và niệu đạo.
Điều trị chứng tiểu khó
Có rất nhiều bệnh có thể gây ra hiện tượng tiểu khó ở cả nam và nữ. Vì vậy muốn điều trị chứng tiểu khó cần biết được căn nguyên gây ra tình trạng này là gì để từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.
Tùy vào mức độ nghiêm trọng của từng bệnh mà thời gian và phương pháp điều trị khác nhau. Tuy nhiên các bệnh có xuất hiện triệu chứng khó tiểu đã nêu ở trên hầu hết đều được điều trị dứt điểm.
Chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu thường được điều trị nội khoa bằng thuốc kháng sinh. Viêm tuyến tiền liệt cũng được điều trị bằng thuốc.
Thời gian sử dụng thuốc là khoảng một vài tháng, nếu bị viêm tuyến tiền liệt nhiều lần và dùng thuốc không mang lại hiệu quả thì phải lựa chọn điều trị ngoại khoa.
Với bệnh sỏi thận, bạn sẽ phải điều trị tích cực bằng nội khoa, chế độ chăm sóc nghiêm ngặt. Nếu sỏi đã to hoặc đã gây ra nhiều biến chứng nặng nề. Bạn sẽ được chỉ định mổ lấy sỏi, tán sỏi qua da,… và nhiều phương pháp điều trị khác.
Dẫu vậy, lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa trong điều trị bệnh luôn là thứ mà bạn phải tham khảo đầu tiên trước khi thực hiện bất cứ phương thức điều trị nào.
➤ Có thể bạn muốn đọc: Chữa khó tiểu bằng thuốc gì hiệu quả?
Biện pháp phòng ngừa tiểu khó cho bạn
Những biện pháp bạn có thể áp dụng để cải thiện chứng tiểu khó như:
- Uống nhiều nước mỗi ngày bởi uống nước có thể giúp loại bỏ vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Hạn chế sử dụng cafe, rượu, thuốc lá, thức ăn cay, đồ uống có ga và chất làm ngọt nhân tạo bởi chúng gây kích ứng bàng quang của bạn
- Tăng cường thực phẩm lành mạnh, các chất béo tốt, các thực phẩm giàu vitamin và chất xơ tăng cường sức đề kháng và tốt cho hệ tiêu hóa như hoa quả, rau củ,…
- Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C là rất quan trọng vì lượng lớn vitamin C làm cho nước tiểu có tính axit hơn giúp ức chế sự phát triển của vi khuẩn trong đường tiết niệu của bạn
- Lựa chọn các sản phẩm vệ sinh cá nhân không có mùi, không hương liệu nếu cơ thể bạn bị kích ứng do hương liệu.
Áp dụng tốt những gợi ý trên sẽ giúp bạn phòng ngừa hiệu quả chứng tiểu khó cũng như các bệnh của đường tiết niệu, tuyến tiền liệt.
Lời kết
Tiểu khó không chỉ là hiện tượng rối loạn tiểu tiện mà nó còn là dấu hiệu cho biết nhiều căn bệnh tiềm ẩn trong cơ thể bạn. Khi gặp tình trạng này, bạn nên đến các cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Những bệnh liên quan đến tiểu khó nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ mang lại hiệu quả điều trị cao và có thể điều trị dứt điểm.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.webmd.com/women/dysuria-causes-symptoms#1
- https://www.everydayhealth.com/urinary-tract-infections/helpful-home-remedies-for-urinary-tract-infections.aspx
Tác dụng có thể khác nhau tuỳ cơ địa của người dùng