Tuyến tiền liệt là gì? Ở nam giới tuyến tiền liệt có chức năng gì? Vì sao nam giới hay mắc các bệnh về tuyến tiền liệt mà thường gặp nhất là phì đại tuyến tiền liệt khi bước vào độ tuổi ngoài 50? Cách chữa bệnh tuyến tiền liệt thế nào? Mời bạn cùng tìm câu trả lời ngay dưới đây nhé.
Mục lục
Tuyến tiền liệt là gì?
Tuyến tiền liệt cũng là một tuyến trong hệ sinh sản ở nam giới góp phần vào quá trình thụ tinh duy trì nòi giống. Nhưng đa phần nam giới thường chỉ biết về sự có mặt của tuyến tiền liệt khi nó sinh bệnh.
Kích thước và hình dạng tuyến tiền liệt
Hình dạng và kích thước tuyến tiền liệt thay đổi dần theo thời gian đi cùng với sự phát triển và hoàn thiện cơ thể của nam giới. Cụ thể:
- Khi vừa chào đời: kích thước tuyến tiền liệt rất nhỏ thường chỉ bé bằng hạt đậu nành.
- Giai đoạn tuổi thiếu niên: tuyến tiền liệt lớn dần với kích thước nặng khoảng hạt hạnh nhân, có dạng hình elip.
- Giai đoạn tuổi trưởng thành: tuyến tiền liệt ngừng phát triển với kích thước trung bình nặng chừng 20g – 25g, rộng 4cm, cao 3cm, dày 2,5cm, hình dạng giống như quả óc chó.
- Giai đoạn tuổi trung niên: tuyến tiền liệt bắt đầu bị “lão hóa ngược”, các tế bào mô tuyến tiền liệt phát triển nhanh khiến kích thước tuyến tiền liệt phình to và gây ra các bệnh tuyến tiền liệt như: u xơ tiền liệt tuyến (phì đại tuyến tiền liệt, u tuyến tiền liệt lành tính) và ung thư tuyến tiền liệt (u tuyến tiền liệt ác tính).
Phân thùy tuyến tiền liệt
Tuyến tiền liệt phân làm 3 thùy:
- Thùy phải.
- Thùy giữa (eo thùy) – là nơi niệu đạo đi xuyên qua.
- Thùy trái ngăn cách với thùy phải bởi một rãnh ở mặt sau.
Hiện nay, quan niệm mới chia tiền liệt tuyến làm 5 vùng: vùng ngoại biên, vùng trung biên, vùng cơ sợi, vùng quanh niệu đạo và vùng chuyển tiếp.
Cấu tạo tuyến tiền liệt
- Tuyến tiền liệt được bao bọc bởi một vỏ gồm: collagen, elastin, và nhiều sợi cơ trơn. Vỏ ở mặt trước và bên dày trung bình 0,5 mm.
- Cấu tạo tiền liệt tuyến gồm khoảng 30% là lớp đệm mô sợi cơ (phía trước niệu đạo) và 70% mô tuyến (phía sau niệu đạo). Các mô bao gồm các sợi collagen và nhiều sợi cơ trơn. Nó bao quanh tuyến của tiền liệt tuyến và hoạt động co bóp, lúc phóng tinh tiết chất dịch kiềm trắng hòa với tinh dịch trong niệu đạo.
- Các tuyến tiền liệt bình thường có thể thấy ở cơ vòng vân mà không có lớp mô đệm hay “lớp vỏ”. Ở đáy tiền liệt tuyến, các sợi dọc detrusor hoà lẫn và bện với lớp mô sợi cơ của lớp vỏ.’
Chức năng tuyến tiền liệt
Chức năng của tuyến tiền liệt là tiết ra một dịch kiềm màu trắng hòa lẫn vào tinh dịch (chiếm từ 25% – 50% tinh dịch) nhằm nuôi dưỡng và bảo vệ tinh trùng khỏi các tác nhân gây bệnh; tạo môi trường thuận lợi giúp các “tinh binh” có khả năng sống lâu hơn, di chuyển nhanh hơn bên trong tử cung nữ giới; làm tăng khả năng giữ gen di truyền tốt hơn. Các cơ trơn của tuyến tiền liệt cũng co bóp giúp đẩy tinh dịch ra ngoài, hỗ trợ quá trình xuất tinh thành công.
Ngoài nhiệm vụ sinh sản, co bóp và kiểm soát nước tiểu là chức năng thứ 2 của tuyến tiền liệt.
Có thể nói, tuyến tiền liệt giống như một “vệ sĩ anh hùng” giữ nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các “tinh binh” . Và thời thanh niên của tuyến tiền liệt cũng là một thanh xuân khỏe mạnh với rộn ràng công việc có ý nghĩa, mang lại cho đời nhiều “hoa thơm trái ngọt” nhất.
Bệnh phì đại tuyến tiền liệt (hình ảnh minh họa)
Ở độ tuổi trung niên ngoài 40 tuổi, tuyến tiền liệt bắt đầu bước vào thời kì “già nua và lão hóa”. Nhu cầu sinh hoạt tình dục cũng như các hormone sinh dục ở nam giới giảm dần làm tuyến tiền liệt rơi vào tình trạng “thất nghiệp”.
Làm việc ít, thời gian nghỉ ngơi nhiều “rảnh rỗi” khiến các tế bào tuyến tiền liệt phình to và “phát tướng về hậu vận”. Sự “nở nang” và “phát tướng” này được ngành Y khoa gọi với tên gọi bệnh phì đại tuyến tiền liệt (hoặc u xơ tiền liệt tuyến), thường xuất hiện rõ ràng ở độ tuổi ngoài 50.
Lúc này không còn là một anh hùng nữa. Tuyến tiền liệt đổi vai thành “ông Hộ Pháp” chèn ép, đè nén vào niệu đạo và bàng quang gây ra một loạt các triệu chứng rối loạn đường tiểu tiện cho người bệnh như: tiểu ngập ngừng, bí tiểu, tiểu khó, tiểu buốt kèm tiểu rắt, đi tiểu nhiều lần cả ngày và đêm, có cảm giác tiểu không hết, đi tiểu kèm máu… gây ra nhiều phiền phức ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh.
Phương pháp tự kiểm tra tuyến tiền liệt
Dưới đây là một số câu hỏi kiểm tra tuyến tiền liệt của bạn có hoạt động bình thường không, có xảy ra những dấu hiệu bất thường nào không:
- Có triệu chứng tiểu nhiều, tiểu rắt , tiểu đau không?
- Tiểu có nhỏ giọt không, có cảm giác tiểu không hết không, nước tiểu phân nhánh và hiện tượng nước tiểu vàng không?
- Niệu đạo có bị rát không? Đầu niệu đạo có dịch trắng không?
- Xuất hiện triệu chứng mỏi lưng, chướng bụng không?
- Có đau vùng đáy chậu hoặc tinh hoàn không?
- Có triệu chứng bị mỏi lưng, chướng bụng không?
- Có bị đau vùng đáy chậu hoặc tinh hoàn không.?
- Có nhiều triệu chứng chóng mặt, mất ngủ, mơ nhiều?
- Có nhiều triệu chứng ngứa, ẩm ướt vùng đáy chậu, bìu tinh hoàn?
- Có mệt mỏi và rối loạn chức năng không?
Nếu xảy ra từ 2 đến 3 triệu chứng, chứng tỏ tuyến tiền liệt của bạn có vấn đề. Tốt nhất bạn nên đến trung tâm y tế để kiểm tra lại sức khỏe.
Các bệnh tuyến tiền liệt thường gặp
Có 3 căn bệnh tuyến tiền liệt hay gặp nhất là: viêm tuyến tiền liệt, u xơ tuyến tiền liệt và ung thư tiền liệt tuyến. 3 căn bệnh với mức độ nguy hiểm tăng dần.
Viêm tuyến tiền liệt
Bệnh viêm tuyến tiền liệt thường biểu hiện với các triệu chứng như sau:
- Tiểu nhiều lần
- Mót tiểu không chịu được
- Tiểu đêm
- Dòng nước tiểu ngắt quãng
- Són tiểu
- Đau khi đi tiểu
Bệnh chia làm 2 loại:
- Viêm tuyến tiền liệt cấp tính: Triệu chứng đột ngột, rầm rộ
- Viêm tuyến tiền liệt mạn tính: Nếu không được điều trị kịp thời bệnh chuyển sang dạng mạn tính.
Bệnh chủ yếu do virus, vi khuẩn hoặc hiện tượng viêm nhiễm gây nên. Bệnh gây ảnh hưởng tới sức khỏe, công việc, sinh hoạt hàng ngày cũng như “chất đàn ông” ở nam giới.
U xơ tuyến tiền liệt (Phì đại tuyến tiền liệt)
U xơ tuyến tiền liệt (hay còn gọi là phì đại tuyến tiền liệt lành tính, khối u xơ tiền liệt tuyến lành tính) chính là hiện tượng kích thước tuyến tiền liệt tăng sinh “phát tướng về hậu vận”. Mặc dù đây là dạng bệnh lành tính nhưng vẫn gây ra nhiều triệu chứng khó chịu cho người bệnh như:
- Bí tiểu hoặc bí tiểu cấp tính
- Tiểu nhiều lầncả ngày và đêm
- Tiểu ngắt quãng
- Cảm giác tiểu ngập ngừng, tiểu không hết
- Tiểu buốt kèm theo tiểu dắt
- Ứ đọng nước tiểu trong bàng quang…
Nếu không đường điều trị kịp thời, phì đại tuyến tiền liệt có thể gây các biến chứng như: nhiễm trùng đường tiết niệu, tổn thương bàng quang, sỏi bàng quang hoặc có thể gây suy thận cấp, suy thận mạn.
Ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tiền liệt tuyến là khối u ác tính phát triển từ tế bào của tiền liệt tuyến. Khối u thường phát triển từ tế bào của tiền liệt tuyến. Ung thư tuyến tiền liệt phát triển chậm và kéo dài trong nhiều năm. Trong suốt thời gian ủ bệnh, khối u ác tính có rất ít hoặc không biểu hiện các triệu chứng.
Ung thư tuyến tiền liệt khi phát triển đủ lớn sẽ chuyển sang xâm lấn các mô xung quanh gây ung thư di căn. Một số triệu chứng ung thư tuyến tiền liệt:
- Khó cương cứng hoặc khó giữ tình trạng cương cứng (bị bất lực)
- Có máu trong nước tiểu
- Đau nhức ở lưng, hông háng, xương sườn, hoặc các loại xương khác
- Cảm thấy yếu sức hay tê bại ở chân hoặc bàn chân
- Mất kiểm soát khi đi tiêu hay tiểu
Bệnh ung thư tuyến tiền liệt (hình ảnh minh họa)
Tuy nhiên, các triệu chứng ung thư tuyến tiền liệt rất ít biểu hiện ở giai đoạn đầu hoặc chỉ xuất hiện ít với tần suất thưa khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện bệnh.
Cách phát hiện bệnh về tuyến tiền liệt
Một số cách khám lâm sàng và xét nghiệm được sử dụng nhằm phát hiện các bệnh về tuyến tiền liệt như:
- Thăm trực tràng: Sờ vào tuyến tiền liệt qua trực tràng có thể phát hiện tuyến tiền liệt khi đã to đáng kể. Phương pháp này phụ thuộc nhiều vào kỹ năng của bác sĩ và thường được thực hiện trước tiên.
- Siêu âm: Tiến hành siêu âm tuyến tiền liệt, vùng tinh hoàn, vùng thận để loại trừ ung thư tiền liệt tuyến và thận ứ nước. Phương pháp này cho phép xác định kích thước và khối lượng của tuyến tiền liệt, từ đó xác định mức độ bệnh tuyến tiền liệt đã nặng hay chưa.
- Xét nghiệm máu: Dùng để phát hiện ung thư tuyến tiền liệt và phân biệt khối u tuyến tiền liệt là u xơ lành tính hay là ung thư. Chỉ số PSA – kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt là cơ sở xác định bệnh về tuyến tiền liệt. Bác sĩ thường lấy máu trước khi thăm trực tràng. Ở người bình thường, PSA nhỏ hơn 4 ng/ml. Nếu chỉ số PSA trên 10 ng/ml thì người bệnh có khả năng bị ung thư hơn là u xơ lành tính.
Cách điều trị bệnh tuyến tiền liệt
Mỗi bệnh về tuyến tiền liệt lại có cách chữa trị khác nhau. Cụ thể có 3 cách điều trị bệnh về tuyến tiền liệt là: điều trị nội khoa, phẫu thuật mổ u xơ và xạ trị, hóa trị khối u.
Các biện pháp điều trị bệnh tuyến tiền liệt sẽ được bác sĩ chỉ định phù hợp với loại bệnh mà nam giới mắc phải.
Điều trị nội khoa: Dùng thuốc uống điều trị nội khoa từ bên trong là phương pháp thường áp dụng đối với các trường hợp viêm tuyến tiền liệt hoặc người bị u xơ tuyến tiền liệt (phì đại tuyến tiền liệt) ở giai đoạn đầu, kích thước khối u xơ lành tính còn nhỏ. Ngoài thuốc tây y, nhiều người bệnh tìm uống các bài thuốc Đông y hay các vị thuốc Nam như Náng hoa trắng hỗ trợ điều trị bệnh.
Uống thuốc điều trị phì đại tuyến tiền liệt
Mổ u xơ tuyến tiền liệt: Phương pháp này được áp dụng đối với người bệnh mắc u phì đại tuyến tiền liệt với kích thước u xơ quá to không thể dùng thuốc uống được, hoặc người đã điều trị nôi khoa nhưng thất bại. Mổ u xơ tuyến tiền liệt khi đã qua thăm khám cận lâm sàng và bắt buộc phải có chỉ định từ bác sĩ điều trị.
Phẫu thuật cắt bỏ khối u, xạ trị, hóa trị: là các biện pháp thường dùng điều trị người mắc ung thư tiền liệt tuyến. Khi khối u còn nhỏ, chưa di căn, bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u. Nhưng khi khối u đã lớn, xạ trị và hóa trị được lựa chọn nhằm ngăn chặn sự phát triển phân chia tế bào ung thư, đồng thời tiêu diệt các tế bào ung thư.
Lối sống tốt phòng các bệnh về tuyến tiền liệt
Một số lối sống, thói quen sinh hoạt giúp nam giới độ tuổi trung niên giữ gìn sức khỏe và ngăn ngừa các loại bệnh tuyến tiền liệt như:
- Chế độ làm việc: Các bệnh tuyến tiền tiệt thường phát sinh khi nam giới bước vào độ tuổi ngoài “ngũ tuần”. Đây cũng là giai đoạn cơ thể người bệnh bắt đầu lão hóa, sức khỏe dần suy giảm. Vì vậy, nam giới cần cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi, tránh làm việc quá sức, stress, căng thẳng, mệt mỏi kéo dài.
- Chế độ dinh dưỡng: cung cấp đầy đủ rau xanh, các thực phẩm chứa nhiều chất xơ, các loại củ, hoa quả tươi, hạn chế ăn các loại độ ăn nhiều dầu mỡ, đồ chiên gián, các loại thức ăn nhanh, đồ ngọt nhân tạo…
- Chế độ nghỉ ngơi: Có chế độ nghỉ ngơi hợp lí, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya hoặc làm việc quá sức kéo dài.
- Vận động thể thao: Hãy dành thời gian vận động, thể dục thể thao hoặc tham giác các câu lạc bộ người trung niên, người cao tuổi. Hoạt động này không chỉ giúp tinh thần thoải mái mà còn giúp người bệnh nâng cao sức khỏe, phòng chống nhiều loại bệnh tật đang muốn “gõ cửa hỏi thăm”.
- Uống đủ nước: Người bệnh nên uống đủ nước lọc hàng ngày (tối thiểu 1,5l nước/ngày). Nhưng lưu ý tránh uống nước nhiều vào buổi tối vì có thể vô tình tạo thói quen tiểu đêm, gây mất ngủ.
- Không nhịn tiểu tiện, hãy đi tiểu ngay khi mót.
- Không dùng các loại thức uống có cồn, chất kích thích: như rượu, bia, thuốc lá, cafe, trà đặc… Đây là nguyên nhân làm phát sinh nhanh chóng nhiều căn bệnh ở độ tuổi trung niên.
Minh Thọ đã bình luận
Tôi bị vôi hóa tiền liệt tuyến là sao thưa bác sỹ
Chuyên gia tư vấn đã bình luận
Chào chú Thọ,
Vôi hóa tuyến tiền liệt là hiện tượng tích tụ hoặc lắng đọng canxi trong tuyến tiền liệt (TTL). Vôi hóa TTL nếu không có bất cứ biểu hiện hay triệu chứng gì thì có thể không cần chữa trị, bệnh không gây ảnh hưởng hay biến chứng gì đến sức khỏe, bệnh nhân có thể chung sống hòa bình với bệnh. Tuy nhiên, nếu các nốt vôi hóa trong TTL gây chèn ép và viêm nhiễm, có thể dẫn đến tình trạng viêm TTL. Chú nên uống đủ 2 lít nước hàng ngày, ăn nhiều đồ mát, hạn chế ăn đồ cay nóng hay sử dụng các chất kích thích, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, định kỳ tái khám kiểm tra TTL chú nhé!
Cần hỗ trợ thêm, chú vui lòng liên hệ tổng đài miễn cước 18001258 để nhận tư vấn trực tiếp chú nhé!
Cảm ơn chú, chúc chú nhiều sức khỏe!
Hà thi kiều my đã bình luận
Ba cháu bệnh tuyêt tien liệt mới mổ xong vì k tiểu được ạ. Bệnh này trong bao lâu thì lao động được ạ con xin nhờ chuyên gia tư vấn giup ạ. Cháu cảm ơn!!
Chuyên gia tư vấn đã bình luận
Chào chị Kiều My!
Bệnh nhân sau mổ tuyến tiền liệt có thời gian hồi phục tùy thuộc vào thể trạng của mỗi người chị nhé.
Sau mổ chị nên để bác nghỉ ngơi, hạn chế đi lại nhiều, tránh làm việc nặng và hoạt động mạnh để vết mổ không bị chảy máu. Có chế độ ăn uống hợp lý, nên bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, ăn các loại rau củ quả như cà chua hay cải bắp, ăn cá và các thực phẩm được làm từ đậu xanh hoặc đậu nành, uống nhiều nước, không nên ăn những loại thực phẩm cay nóng và sử dụng rượu, bia, thuốc lá hay các chất kích thích, các đồ uống có cồn….
Nếu bác thấy xuất hiện những dấu hiệu bất thường như tiểu khó, tiểu đau hoặc đi tiểu ra máu,…thì cần quay lại ngay cơ sở y tế để thăm khám nhằm có biện pháp xử lý kịp thời.
Cần tư vấn thêm, chị vui lòng liên hệ tổng đài miễn cước phí 1800.1258 vào giờ hành chính chị nhé.
Cảm ơn chị, chúc chị và gia đình nhiều sức khỏe.