Tuyến tiền liệt thường mắc 3 loại bệnh là viêm tuyến tiền liệt, phì đại tuyến tiền liệt (u xơ tiền liệt tuyến) và ung thư tuyến tiền liệt. Rối loạn tiểu tiện là triệu chứng điển hình nhất khi tuyến tiền liệt mắc bệnh. Tuy nhiên, ở mỗi loại bệnh tuyến tiền liệt sẽ biểu hiện ra triệu chứng với mức độ khác nhau.
Mục lục
Có những bệnh tuyến tiền liệt nào?
Tuyến tiền liệt là một tuyến nằm trong hệ sinh sản nam giới. Tuy nhiên không nhiều người biết đến sự có mặt của tuyến tiền liệt cho đến khi chúng “đổ bệnh”.
Tuổi trung niên là độ tuổi nam giới dễ mắc các bệnh về tuyến tiền liệt nhất. Bởi đây là giai đoạn tuyến tiền liệt không còn hoạt động nhiều như ở tuổi thanh niên; đồng thời cơ thể bị lão hóa, tác động khiến tuyến tiền liệt sinh bệnh.
Bệnh về tuyến tiền liệt thường có 3 loại chính là:
- Viêm tuyến tiền liệt: có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Nguyên nhân thường do vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh.
- U xơ tuyến tiền liệt (hay còn gọi là phì đại tuyến tiền liệt): là khối u lành tính.
- Ung thư tuyến tiền liệt: là khối u ác tính.
Các triệu chứng cảnh báo tuyến tiền liệt mắc bệnh
Rối loạn tiểu tiện là triệu chứng điển hình nhất khi tuyến tiền liệt mắc bệnh. Tuy nhiên, ở mỗi loại bệnh tuyến tiền liệt khác nhau sẽ biểu hiện ra các triệu chứng với mức độ khác nhau. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé:
Dấu hiệu bệnh viêm tuyến tiền liệt
Viêm tuyến tiền liệt thường do các vi khuẩn xâm nhập qua ống niệu đạo gây bệnh khiến tuyến tiền liệt bị viêm sưng, đau rát. Viêm tuyến tiền liệt thường chia làm 3 loại: viêm tuyến tiền liệt cấp tính, mãn tính hoặc viêm tuyến tiền liệt không do khuẩn.
Các triệu chứng rối loạn tiểu tiện chung: luôn có cảm giác buồn tiểu, tiểu không hết, đi tiểu nhiều lần cả ngày và đêm, khó tiểu, tiểu rắt, tiểu nhỏ giọt…
Các triệu chứng riêng:
- Viêm tuyến tiền liệt nhiễm khuẩn cấp tính: Triệu chứng bệnh xuất hiện rất bất ngờ, bao gồm: sốt và rét; cảm giác giống như bị cúm; tuyến tiền liệt, phần dưới thắt lưng hoặc vùng sinh dục bị đau; đôi khi trong nước tiểu, tinh dịch có máu.
- Viêm tuyến tiền liệt nhiễm khuẩn mạn tính: Triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt nhiễm khuẩn mạn tính gần giống như viêm tuyến tiền liệt cấp tính nhưng bệnh tiến triển chậm hơn và ít nguy hiểm hơn. Triệu chứng điển hình của bệnh chủ yếu là sốt nhẹ, thường hay đi tiểu đêm và kèm theo viêm bàng quan tái phát.

- Viêm tuyến tiền liệt mạn tính không do khuẩn: Dạng này thường phổ biến nhất, ít gây nguy hiểm, bạn thường chỉ có biểu hiện tiểu đêm nhiều lần và viêm bàng quang.
Lưu ý: Viêm tuyến tiền liệt dễ bị chẩn đoán nhầm với viêm nhiễm bàng quang hoặc niệu đạo, do triệu chứng lâm sàng của các bệnh khá giống nhau. Nam giới trung niên là những người có nguy có bị viêm tuyến tiền liệt cao nhất.
Triệu chứng u xơ tuyến tiền liệt (khối u lành tính)
Bệnh u xơ tuyến tiền liệt hay còn có các tên Y học khác như: bệnh u xơ tiền liệt tuyến, phì đại tuyến tiền liệt, phì đại tuyến tiền liệt lành tính.
Đây là căn bệnh thường gặp ở nam giới độ tuổi trung niên. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do các tế bào tuyến tiền liệt lành tính bị kích thích phát triển phình to và gây ra khối u xơ trong tuyến tiền liệt.
Tìm hiểu chi tiết: Bệnh u xơ tuyến tiền liệt là gì?
U xơ tuyến tiền liệt chia làm 3 giai đoạn nên mỗi giai đoạn sẽ có các triệu chứng bệnh khác nhau với cấp độ bệnh nặng dần, cụ thể:
Giai đoạn 1: Khối u phì đại lành tính mới hình thành, kích thước khối u xơ nhỏ nên chỉ có một số triệu chứng lâm sàng nhẹ như:
- Tiểu ngập ngừng.
- Cảm giác tiểu không hết.
- Đi tiểu nhiều lần trong ngày.
- Số lượng nước tiểu mỗi lần ít.
Giai đoạn 2: Các triệu chứng bệnh ở giai đoạn 2 biến chuyển nặng hơn, tình trạng rối loạn tiểu tiện rõ ràng và làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người bệnh. Nguyên nhân là do kích thước khối u xơ tuyến tiền liệt ở giai đoạn này phình to mạnh mẽ, chúng chèn ép gây áp lực trực tiếp lên ống niệu đạo và bàng quang.

Các triệu chứng thường gặp:
- Khó tiểu: người bệnh đi tiểu khó khăn, phải rặn rất lâu mới có thể tiểu tiện được.
- Bí tiểu: có thể xảy ra bí tiểu cấp tính hoặc bí tiểu mãn tính.
- Tiểu ngắt quãng, dòng nước tiểu bị đứt, chảy không thành dòng.
- Tiểu rắt: dòng nước tiểu lắt nhắt và thường kèm theo cảm giác đau, buốt khi người bệnh tiểu tiện.
- Đi tiểu nhiều lần: Số lần đi tiểu tiện tăng lên cả ngày và đêm.
- Tia nước tiểu yếu hoặc tiểu bị tắc xong lại tiểu tiếp
- Tiểu nhỏ giọt: nước tiểu chảy thành từng giọt hoặc bị rỉ nước tiểu gây ướt quần (trong trường hợp nặng) khiến bệnh nhân vô cùng tự ti, ngại ngùng, không muốn ra ngoài hoặc tiếp xúc với người ngoài.
- Đi tiểu không hết: không thể rặn được nước tiểu nhưng vẫn có cảm giác buồn tiểu, muốn tiểu tiện tiếp.
- Tiểu són: người bệnh không thể kiểm soát nước tiểu, không thể nhịn tiểu, dễ dàng bị són đái.
- Lượng nước tiểu đi được rất ít sau mỗi lần tiểu tiện.
Giai đoạn 3: Người bệnh không chủ động thăm khám phát hiện bệnh sớm. Nó vô tình “mở lối” cho bệnh có thời gian, cơ hội phát triển nặng và gây biến chứng.
Triệu chứng rối loạn tiểu tiện xuất hiện với mức độ nặng:
- Nước nhỏ giọt nặng, nước tiểu rỉ liên tục gây chứng tiểu không tự chủ.
- Nước tiểu lắng đọng khiến bàng quang luôn trong tình trạng căng dãn. Người bệnh luôn bị căng tức, khó chịu phần bụng dưới; luôn muốn đi tiểu nhưng không thể tiểu tiện được.
- Xuất hiện đi tiểu ra máu do người bệnh cố rặn tiểu gây vỡ các tĩnh mạch trong bàng quang và niệu đạo.
Các triệu chứng toàn thân:
- Sức khỏe suy kiệt
- Cơ thể mệt mỏi, suy nhược.
- Phù, bụng cảm giác to hơn.
- Tăng huyết áp.
- Da xanh thiếu máu
- Buồn nôn, hay bị hoa mắt chóng mặt.
- Chán ăn
- Mất ngủ do đi tiểu nhiều lần
Để điều trị u xơ tuyến tiền liệt hiệu quả, người bệnh cần được xét nghiệm, kiểm tra và xác định mức độ bệnh, từ đó sẽ cân nhắc và đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Thông thường có 2 phương pháp chữa trị phì đại tuyến tiền liệt chính được áp dụng là:

Điều trị nội khoa phì đại tuyến tiền liệt bằng thuốc: Đây là phương pháp điều trị từ gốc bệnh, dùng các loại thuốc kháng sinh làm ức chế sự phì đại của các tế bào tuyến tiền liệt lành tính; đồng thời làm teo nhỏ kích thước khối u phì đại tuyến tiền liệt và giảm bớt các triệu chứng khiến người bệnh dễ chịu hơn.
Điều trị ngoại khoa: là cách áp dụng các phương pháp phẫu thuật mổ cắt bỏ khối u xơ lành tính. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được khuyến khích áp dụng khi khối u xơ tuyến tiền liệt quá lớn khiến việc điều trị nội khoa không có tác dụng hoặc tác dụng rất thấp.
Để tìm hiểu chi tiết hơn về các phương pháp chữa trị, bạn có thể tham khảo:
- Điều trị nội khoa u xơ tuyến tiền liệt bằng thuốc gì?
- 6 Phương pháp mổ u xơ u xơ tuyến tiền liệt phổ biến hiện nay
Triệu chứng ung thư tuyến tiền liệt (khối u ác tính)
Ung thư tuyến tiền liệt còn được gọi khối u tuyến tiền liệt ác tính là bởi vì bệnh hình thành do các tế bào tuyến tiền liệt ác tính (tế bào bị đột biến gen) gây ra.

Cũng là sự phình to khối u nhưng khác với bệnh u xơ tuyến tiền liệt lành tính, bệnh ung thư tuyến tiền liệt phát triển với thời gian ủ bệnh lâu hơn, các giai đoạn kéo dài hơn. Và đặc biệt, ở giai đoạn đầu bệnh ít có biểu hiện rõ ràng (khiến người bệnh khó phát hiện cũng như điều trị bệnh từ sớm); chúng chỉ có các triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn ung thư cuối khiến việc điều trị vô cùng khó khăn và tốn kém.
Một số triệu chứng ung thư tuyến tiền liệt có thể kể đến như:
- Luôn bị đau đớn mỗi khi tiểu tiện.
- Bị rối loạn tiểu tiện, đặc biệt là chứng tiểu đêm nhiều lần và tiểu rắt.
- Đau nhức ở lưng, hông háng, xương sườn, hoặc các loại xương khác
- Khó cương cứng hoặc khó giữ tình trạng cương cứng (bị bất lực)
- Xuất hiện máu trong nước tiểu. Đôi khi có máu trong tinh dịch.
- Cảm thấy yếu sức hay tê bại ở chân hoặc bàn chân
- Mất kiểm soát khi đại tiện hoặc tiểu tiện.
- Xuất hiện táo bón mãn tính hoặc các vấn đề về đường ruột.
Về hướng điều trị ung thư tuyến tiền liệt, cũng tùy thuộc vào từng mức độ bệnh khi phát hiện mà sẽ có các phương pháp điều trị cho người bệnh khác nhau như:
Cắt khối ung thư tuyến tiền liệt: áp dụng khi người bệnh phát hiện bệnh sớm, khối ung thư mới hình thành và chưa di căn.
Xạ trị, hóa trị: khi bệnh ở cấp độ bệnh nặng, các triệu chứng bệnh rõ ràng, khối ung thư có dấu hiệu di căn sang đến các bộ phận khác trong cơ thể, thì xạ trị và hóa trị là các phương pháp phù hợp nhằm ngăn chặn sự phát triển phân chia tế bào ung thư, đồng thời tiêu diệt các tế bào ung thư tuyến tiền liệt.
Nên làm gì nếu gặp các triệu chứng tuyến tiền liệt?
Như ta đã thấy ở trên, các triệu chứng tiền liệt tuyến ở mỗi bệnh đều khá giống nhau, chúng đa phần gây ra các rối loạn liên quan tới tiểu tiện. Vì thế, để biết được chính xác tình trạng bệnh của mình, khi gặp các triệu chứng này, bạn nên tới chuyên khoa Thận – Tiết niệu của các bệnh viện, phòng khám uy tín.
Để chẩn đoán được vấn đề về tuyến tiền liệt của bạn, đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi bạn một số câu hỏi xoay quanh các triệu chứng, chẳng hạn:
- Bạn có các triệu chứng như thế nào?
- Các triệu chứng này bắt đầu bao giờ và tần suất nó xảy ra
- Mức độ ảnh hưởng của chúng tới sức khỏe và cuộc sống của bạn
- Bạn có từng bị nhiễm trùng đường tiết niệu hay không
- Những loại thuốc mà bạn đang dùng, bao gồm cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn
- Lượng chất lỏng mà bạn uống mỗi ngày
- Bạn có sử dụng cà phê hay rượu không
- Bạn đã từng phẫu thuật hay có bất kỳ bệnh tật nào không
- .v.v.
Câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ giúp bác sĩ phần nào xác định được vấn đề hoặc xác định được những xét nghiệm y tế nào là cần thiết với bạn.

Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra trực tràng kỹ thuật số (DRE). Đây thường là một trong những xét nghiệm đầu tiên để xác định tình trạng của tuyến tiền liệt. Trong phương pháp này, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân cúi xuống bàn hoặc nằm nghiêng trên giường và ôm đầu gối. Tiếp đó, họ sẽ đưa một ngón tay có đeo găng và được bôi trơn vào trực tràng để cảm nhận phần tuyến tiền liệt nằm bên cạnh nó. Phương pháp này sẽ cho bác sĩ biết tuyến tiền liệt có bất thường nào cần kiểm tra thêm hay không.

Tiếp theo, bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm một số xét nghiệm mà họ cảm thấy cần thiết. Các xét nghiệm này có thể bao gồm một hoặc một vài các xét nghiệm dưới đây:
- Xét nghiệm máu để đo kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt (PSA)
- Xét nghiệm phân tích nước tiểu
- Đo niệu động học
- Soi bàng quang
- Siêu âm bụng
- Chụp MRI
- Siêu âm qua trực tràng với sinh thiết tuyến tiền liệt.
Một số các xét nghiệm phía trên (như đo niệu động học và nội soi bàng quang) có thể gây khó chịu nhẹ trong vài giờ sau khi làm thủ thuật. Để giảm điều này, mỗi 30 phút trong vòng 2 giờ bạn nên uống khoảng 200ml nước. Bác sĩ cũng có thể khuyên bạn đắp một chiếc khăn ấm và ẩm lên lỗ niệu đạo để giảm bớt sự khó chịu. Sinh thiết tuyến tiền liệt có thể gây đau ở vùng trực tràng và đáy chậu, nó cũng có thể gây tình trạng tiểu ra máu hoặc xuất tinh ra máu, nhưng điều này là hoàn toàn bình thường và nó sẽ tự động biến mất.
Kết quả các xét nghiệm y tế đơn giản như xét nghiệm niệu động học, soi bàng quang và siêu âm ổ bụng thường có kết quả ngay ssau khi xét nghiệm. Kết quả của các xét nghiệm khác như xét nghiệm máu PSA và sinh thiết mô tuyến tiền liệt có thể mất vài ngày để có kết quả.
Sau khi nhận được đầy đủ các kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ nói chuyện với bạn về các kết quả này, kết luận tình trạng bệnh của bạn và cùng bạn thảo luận về hướng điều trị phù hợp.
Tổng kết
Bài viết trên đây giúp bạn nắm bắt được các triệu chứng tiền liệt tuyến để biết khi nào tuyến có bệnh. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào các triệu chứng để chẩn đoán bệnh thì không thể chính xác được tình trạng cụ thể. Vì thế, khi nhận thấy mình có các triệu chứng bất thường liên quan đến tuyến tiền liệt, bạn nên sớm đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Tác dụng có thể khác nhau tuỳ cơ địa của người dùng